Các nhà phân tích cho rằng đây chỉ là điềm báo trước những gì còn tồi tệ hơn ở Pakistan trong tương lai.
|
Nỗi đau xé lòng của người mẹ mất con trong vụ đánh bom tự sát đẫm máu ngày 27/3 ở thành phố Lahore, Pakistan. |
Hai sự kiện đồng thời xảy ra tại Pakistan vào ngày 27/3. Một thành viên thuộc một nhóm Taliban Pakistan mang tên Jamaat-ul-Ahrar đã đánh bom liều chết tại một công viên ở thành phố Lahore làm chết ít nhất 65 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Jamaat-ul-Ahrar cho biết mục tiêu tấn công của nhóm này là các tin đồ Kitô giáo trong lễ Phục Sinh ở công viên Gulshan-e-Iqbal. Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng thiểu số Kitô giáo bị tấn công ở quốc gia Nam Á đầy bất ổn này.
Chiều cùng ngày, hàng ngàn người ủng hộ của Mumtaz Qadri - một phần tử cực đoan vừa bị treo cổ vào tháng trước vì tội giết chết một cựu tỉnh trưởng – gây bạo loạn ở thủ đô Islamabad và đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà quốc hội. Những người này phản đối việc treo cổ Qadri và đòi áp đặt luật Shariah ở thủ đô Islamabad. Tình hình trở nên bất ổn đến mức chính phủ Pakistan phải huy động quân đội để kiểm soát tình hình và những phần tử cực đoan cánh hữu vẫn tổ chức biểu tình ngồi ở bên ngoài tòa nhà quốc hội.
Theo các quan sát viên, hai sự kiện này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đất nước Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân đang ngày càng rơi vào tay các phần tử cực đoan Hồi giáo. Những nỗ lực của chính phủ và quân đội Pakistan nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố “cây nhà lá vườn” cho đến nay đã thất bại, bất chấp một tuyên bố khoe rằng chiến dịch quân sự hiện nay đang đánh bại Taliban và các nhóm chiến binh khác.
Không thành phố nào ở Pakistan được an toàn
Thành phố Lahore là một thành trì chính trị của Thủ tướng Nawaz Sharif và một trong những thành phố được cho là an toàn nhất Pakistan.
Trong một tuyên bố ngày 27/3, phát ngôn viên Ehsanullah Ehsan của nhóm Jamaat-ul-Ahrar nói:
"Chúng tôi muốn gửi thông điệp này đến Thủ tướng Nawaz Sharif rằng chúng tôi đã xâm nhập Lahore".
Bằng cách tấn công Lahore và Islamabad - vốn không nằm ở tây bắc đầy bất ổn của Pakistan - các chiến binh Hồi giáo cực đoan đang phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng họ có thể tấn công “bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào” và chính phủ Pakistan không thể làm gì để ngăn chặn.
Nhà phân tích Khalid Hameed Farooqi và là phóng viên truyền hình Geo TV tại Brussels nói với DW: "Người ta không thể tách rời những gì đã xảy ra ở Lahore và những gì đang diễn ra ở Islamabad. Sự cực đoan ở Pakistan có hai mặt: quân sự và dân sự. Vụ tấn công đẫm máu ở Lahore là do các phần tử Hồi giáo vũ trang thực hiện và bạo loạn ở Islamabad là do những người Hồi giáo dân sự tiến hành. Cả hai đều là cực kỳ mạnh mẽ ở Pakistan".
Nhắm vào chính phủ của Thủ tướng Sharif?
Nhà phân tích Khalid Hameed Farooqi cho rằng các cuộc tấn công mới nhất này đã được lên kế hoạch chu đáo. Các phân tử Hồi giáo cực đoan đang phẫn nộ trước chính sách thân thiện với Ấn Độ của Thủ tướng Sharif và một số văn bản pháp luật tự do mà chính phủ Pakistanti đã ban hành. Ông nhấn mạnh: "Rõ ràng, các phân tử Hồi giáo cánh hữu muốn gây bất ổn cho chính phủ của Thủ tướng Sharif. Ông Sharif đã đủ dũng cảm để treo cổ Mumtaz Qadri, bất chấp sự phản đối kịch liệt của phe đối lập cánh hữu và thông qua một đạo luật ủng hộ phụ nữ tại quốc hội. Ngoài ra, chính sách thân thiện với Ấn Độ của ông cũng chọc tức các phân tử Hồi giáo cực đoan".
Có khả năng, các tướng lĩnh quân đội cũng muốn làm suy yếu chính phủ Sharif bằng cách hỗ trợ các phần tử Hồi giáo cánh hữu. Một số nhà phân tích cho rằng quân đội không muốn chính phủ Pakistan có quan hệ thân mật với Ấn Độ.
Nhà báo Farooqi nói: "Thủ tướng Sharif đã hiểu rằng chính sách kinh tế tự do và quan hệ tốt với các nước láng giềng là cách duy nhất để giúp Pakistan tiến về phía trước. Nhưng có những tổ chức và các nhóm ở Pakistan mà không đồng ý với cách tiếp cận này”.
Quân đội Pakistan vẫn thao túng chính trường
Pakistan vốn là mục tiêu tấn công của các nhóm vũ trang trong nhiều năm qua, đặc biệt là ở các khu vực bộ lạc bất ổn dọc theo biên giới Afghanistan. Chính phủ Pakistan đã tăng cường các hoạt động chống lại các chiến binh sau một cuộc tấn công của Taliban vào một trường quân sự ở Peshawar hồi tháng 12/2014, giết chết 134 thiếu sinh quân.
Trong mấy năm qua, Thủ tướng Sharif đã xa lánh những kẻ cực đoan Hồi giáo. Thế nhưng, quân đội Pakistan thì không làm cái điều tương tự. Các nhà phân tích nói rằng quân đội vẫn coi các tổ chức Hồi giáo là đồng minh mạnh mẽ đối với chính sách chống Ấn Độ và nhu cầu tạo ra một "chiều sâu chiến lược" ở nước láng giềng Afghanistan của giới tướng lĩnh Pakistan.
Vì lý do đó, quân đội Pakistan cho rằng chiến dịch chống lại các chiến binh nên được chọn lọc. Các nhà quan sát nói rằng nếu các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các “chiến dịch có chọn lọc” và phân biệt giữa "Taliban tốt và Taliban xấu," tấn công khủng bố ở Pakistan vẫn sẽ tiếp tục xảy ra.
Nguy cơ hiện hữu
Ngoài các mối đe dọa đến từ Taliban, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng đang gia tăng sự hiện diện ở Pakistan. Nhóm Jamaat-ul-Ahrar (nhóm tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu ở Lahore) đã thề trung thành với IS vào tháng năm 2014. Một số nhóm tách Taliban khác cũng đã tham gia hàng ngũ IS.
Wahid Mazhda, một chuyên gia về Taliban ở Kabul, nói với DW: "IS và Taliban là rất khác nhau về ý thức hệ và văn hóa. Tuy nhiên, Nhà nước Hồi giáo có thể tìm thấy một số người ủng hộ ở Pakistan và trên thực tế, đã có nhiều nhóm thánh chiến quay sang ủng hộ IS".
Nếu xu hướng này trở nên phổ biến, thì chính quyền Pakistan cần phải ngay lập tức điều chỉnh chính sách của họ về chiến binh Hồi giáo. Vụ đánh bom liều chết ở Lahore có thể chỉ là một sự khởi đầu của làn sóng Hồi giáo cực đoan mưu toan đánh chiếm toàn bộ đất nước Pakistan.
Nhà phân tích Amin Mughal, một nhà báo người Pakistan và học giả ở London, cho rằng đã đến lúc nhà cầm quyền Pakistan phải thay đổi cuộc chơi, khi chính sách hỗ trợ các nhóm Hồi giáo đã phản tác dụng và nhà nước Pakistan không còn kiểm soát được tình hình. Ông Mughal nói với DW: “Đây chính là kết quả logic của chính sách nhà nước dựa trên tôn giáo". Theo ông, cách duy nhất ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay ở Pakistan là các đảng “thế tục chân chính” lên nắm quyền và đảo ngược đường lối hiện hành.
Video đánh bom liệu chết đẫm máu ở thành phố Lahore, Pakistan, ngày 27/3/2016. (Nguồn RT):
Minh Châu (Theo DW)