Ông Trump châm ngòi "bão lửa" trong quan hệ Mỹ-Trung

Google News

Quan hệ Mỹ-Trung đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn gia tăng ngay sau cuộc điện đàm của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump với bà Thái Anh Văn.

Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) số ra ngày 4/12 cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã châm ngòi "bão lửa" trong mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã rất nhạy cảm, sau khi điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn. Dù giới chức hai bên đều cố gắng "dập lửa", nhưng giờ đây, cả Mỹ và Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn ngày càng gia tăng, nếu dòng chủ lưu có thể bị đảo ngược trong thời gian tới.
Ong Trump cham ngoi
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vừa có cuộc điện đàm "gây bão" với người đứng đầu vùng lãnh thổ Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh hongkongfp  
Ông Mike Pence - Phó Tổng thống đắc cử, ra sức biện minh cho hành động của ông Trump, rằng đó chỉ là một "cuộc gọi xã giao". Ông Pence không giấu giếm ý định "dập tắt đám cháy" do chính sếp mình gây ra ngay từ khi chưa bước chân vào Nhà Trắng.
Đúng như dự báo của giới phân tích, ông Trump đã khiến dư luận phải bất ngờ về những động thái của mình. Cả thế giới băn khoăn tự hỏi: đây chỉ là một tai nạn ngẫu nhiên, hay dấu hiệu báo trước việc Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc dưới thời ông Trump? Phải chăng vấn đề Đài Loan sẽ được đưa trở lại vị trí trung tâm trong chiến lược đối phó Trung Quốc mà ông Trump sẽ theo đuổi? Nhiều câu hỏi còn để ngỏ sau cuộc điện đàm này.
Kể từ khi giành chiến thắng trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hilary Clinton đến nay, ông Trump đã điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Mỗi cuộc điện đàm đó đều ẩn chứa quan điểm, ý định trong chính sách đối ngoại mà ông chủ mới của Nhà Trắng có thể thực hiện. Tuy nhiên, Tổng Biên tập tạp chí "Chính sách Đối ngoại" David Rothkopf cho rằng cộng đồng quốc tế đang bước vào kỷ nguyên của những tuyên bố, lời nói và hành động không được cân nhắc thấu đáo, ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại.
Người ủng hộ ông Trump thì lên tiếng ca ngợi phong cách lãnh đạo mới mẻ và phá cách. Trong khi đó, những người chỉ trích bắt đầu lo ngại về nguy cơ bùng phát khủng hoảng do Tổng thống đắc cử không chịu nghe cố vấn, không chuẩn bị kỹ càng, lời nói và hành động theo kiểu ngẫu hứng, khó đoán định. Theo ông Rothkopf, Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn không nhận thức được một thực tế rằng bất cứ lời nói hay hành động nào của ông cũng đều gây hậu quả về chính sách đối ngoại.
Theo bình luận ngày 4/12 của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), Trung Quốc dường như đã lựa chọn cách tiếp cận thận trọng trước những động thái của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Bắc Kinh đã cố gắng giảm nhẹ tác động của cuộc điện đàm vừa qua giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn đối với quan hệ song phương Trung Quốc - Mỹ.
Tờ "Nhân dân Nhật báo" số ra ngày 4/12 đã không đưa vấn đề điện đàm Donald Trump - Thái Anh Văn lên trang nhất, đồng thời chỉ ra sự thiếu kinh nghiệm về đối ngoại của đội ngũ cố vấn cho Tổng thống đắc cử Mỹ. Trên trang web của mình, tờ báo này cũng trấn an độc giả rằng phía Mỹ đã tái khẳng định chính sách "một Trung Quốc".
Đến thời điểm này, căng thẳng chưa leo thang trong "tam giác" quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và đảo Đài Loan. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman, trái ngược hoàn toàn với phản ứng mạnh mẽ của giới truyền thông quốc tế và chuyên gia phân tích nước ngoài, Bắc Kinh đã "không làm to chuyện" sau cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn. Vì vậy, theo ông Huntsman, "không có phản ứng quá khích liên quan đến vấn đề này".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chỉ trích việc Trung Quốc thao túng tiền tệ và phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
Trên mạng xã hội Twitter, tỷ phú Trump nêu câu hỏi: "Liệu Trung Quốc có hỏi chúng ta rằng việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến cho các công ty Mỹ khó khăn trong việc cạnh tranh), áp thuế cao đối với các sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào nước này (trong khi Mỹ không đánh thuế họ) hoặc xây dựng tổ hợp quân sự to lớn ở giữa Biển Đông... có được không? Tôi nghĩ là không!"
Theo TTXVN/Tin Tức