Năm 2017, chính phủ Nga phải đối mặt với một cuộc cách mạng thời hiện tại, đó là những thay đổi đang diễn ra ở Mỹ trong kỷ nguyên Donald Trump.
Trong khi nhiều người theo thuyết âm mưu cho rằng quan hệ Nga-Mỹ sẽ tốt lên dưới thời của ông Trump, đa số nhà quan sát lại thấy rằng ông Trump coi bản thân là một nhân tố cách mạng với sứ mệnh xóa bỏ trật tự cũ, xây dựng trật tự mới.
Những động thái mới đây nhất của ông Trump như ký một loạt sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi đã khiến quốc hội Mỹ xôn xao, khiến các đối thủ bất ngờ và khuyến khích cả bộ máy của ông “phát động chiến tranh” với giới chính trị truyền thống. Nhờ sự phân cực rõ rệt, ông đã tránh được khả năng một số thành viên Cộng hòa "liên thủ" với phe Dân chủ chống lại ông, đảm bảo rằng những lời chỉ trích, phản đối ông bị vô hiệu hóa.
|
Tổng thống Putin và nước Nga đang gặp khó với cái gọi là trật tự chính trị mới trong kỷ nguyên Donald Trump. Ảnh: The Daily Beast |
Theo lời của chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Stephen Bannon, ông Trump đang đặt mình vào vị thế của nhà lãnh đạo toàn cầu trong phong trào toàn cầu hóa phản đối giới tinh hoa, giới chính trị truyền thống, giới theo đường lối tự do và dân tộc.
Phát biểu với tờ Washington Post, ông Bannon nói: “Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là sự ra đời của một trật tự chính trị mới. Giới truyền thông càng phát cuồng bao nhiêu thì trật tự chính trị mới đó càng mạnh mẽ bấy nhiêu”.
Các nhà hoạch định chính sách Nga vốn ám ảnh với các cuộc Cách mạng Màu sắc có thể hiểu rõ hơn người Mỹ và châu Âu về bản chất cơ bản của những thay đổi chính trị ở Washington. Khi ông Trump lên nắm quyền, giới chính trị Nga đã tạm dừng “ăn mừng”. Họ nhận ra rằng vị trí của Nga đã trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Đúng là ông Trump đã mở ra khả năng bình thường hóa quan hệ của Nga với phương Tây khi bắt đầu bằng cách giảm nhẹ, tiến tới bỏ hẳn các biện pháp trừng phạt. Chính quyền Mỹ mới cũng có xu hướng không quan tâm tới khủng hoảng Ukraine và thay vào đó quan tâm hơn tới việc giải tán NATO. Nga còn hoan hỉ hơn khi ông Trump tỏ ý chấm dứt thời kỳ đạo đức giả của Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng của ông Trump đã tạo ra một giai đoạn mới khó đoán, ví dụ như khả năng diễn ra các cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, tạo bất ổn toàn cầu – điều mà giới lãnh đạo hiện nay của Nga không hề thích.
Điều mà Điện Kremlin sợ nhất hiện nay là khả năng ông Trump bị lật đổ hoặc thậm chí bị ám sát. Nếu phải ra đi, ông Trump sẽ khiến cho phong trào chống Nga rầm rộ nảy nở ở Washington. Theo tạp chí Foreign Policy, khả năng ông Trump bị lật đổ hoặc ám sát đã khiến cho ông Putin trở thành con tin trong sự sống còn và thành công của ông Trump. Điều này đã hạn chế nghiêm trọng các lựa chọn địa chính trị của Nga.
Điện Kremlin hoàn toàn biết rằng phe Dân chủ muốn dùng Nga để làm mất uy tín và thậm chí là để luận tội ông Trump. Họ cũng biết rõ phe Cộng hòa muốn dùng Nga để làm “xì hơi” và thử thách ông Trump. Do đó, chính quyền Nga không chỉ sợ ông Trump thất thế mà còn sợ khả năng ông có thể chuyển sang giọng điệu chống Nga nhằm làm lành với các lãnh đạo Cộng hòa “diều hâu” trong quốc hội.
Trong vụ việc mới nhất liên quan tới ông Michael Flynn, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, quan hệ Nga – Mỹ đã bị ảnh hưởng. Ông Flynn đã buộc phải từ chức vì vụ lùm xùm quanh chuyện trấn an Đại sứ Nga về các biện pháp trừng phạt của Mỹ khi ông Trump còn chưa nhậm chức. Một thượng nghị sĩ Nga cho rằng việc Nhà Trắng “ép” ông Flynn từ chức vì liên hệ với Đại sứ Nga là điều tồi tệ, cho thấy tư tưởng chống Nga đã nhiễm vào chính quyền mới của Mỹ từ cấp cao đến cấp thấp.
Trước đó, trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không hề hối thúc ông Trump bỏ lệnh trừng phạt Moskva, không hề giục Mỹ ngừng hỗ trợ cho chính quyền Ukraine. Nga cũng không “vặn vẹo” về những tuyên bố chống Nga do một số thành viên trong chính quyền Mỹ mới đưa ra.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến nóng lại ở Đông Ukraine, chính quyền Nga không thể làm ngơ. Chính quyền Nga nói chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko là bên có lỗi. Phía Nga muốn gây sự chú ý của các thành viên Quốc hội Mỹ có tư tưởng chống Nga để các thành viên này quay sang tranh cãi với ông Trump về ông Putin, từ đó hi vọng ông Trump có phát ngôn nào đó “bênh” Nga. Thực tế là vụ việc không đi theo ý muốn của Nga vì Mỹ có nhiều lợi ích ở Ukraine.
Việc ông Trump làm Tổng thống Mỹ cũng khiến quan hệ của Nga với Trung Quốc và Iran thêm phức tạp. Nga có lợi ích khi bình thường hóa quan hệ với phương Tây nhưng không có nghĩa là Nga phải nhập liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, dường như ông Trump lại khăng khăng muốn tạo một liên minh như vậy khiến Nga rơi vào thế khó xử.
Về Iran, một trong những nước bị liệt vào danh sách cấm nhập cảnh trong sắc lệnh của ông Trump, Nga cũng không thể “hùa” theo ông Trump, một phần là vì quan hệ với Iran, hai là vì Nga cũng có tới 20 triệu người Hồi giáo, không thể ủng hộ quan điểm chống Hồi giáo của ông Trump.
Còn một điều nữa, khi ông Trump đã vào Nhà Trắng, ông Putin dường như mất thế “độc quyền” về mặt khó đoán trong các vấn đề địa chính trị. Theo tạp chí Foreign Policy, ông Putin giờ phải “chia sẻ” khả năng làm thế giới bất ngờ với ông Trump. Nhiều lãnh đạo thế giới đang hồi hội chờ xem ông Trump và Putin ai sẽ gây bất ngờ hơn. Truyền thông, báo chí Nga cũng phải bớt "đất" cho ông Putin để dành cho ông Trump.
Tóm lại, việc ông Trump làm Tổng thống Mỹ chứ không phải bà Hillary Clinton thậm chí còn khiến Nga rơi vào thế rắc rối hơn.
Theo Thùy Dương/Báo Tin Tức