Khi còn là phó tổng thống dưới thời Obama, ông Joe Biden đã tích cực phát triển quan hệ với giới chức Trung Quốc. Khi ông Biden được truyền thông Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tờ China Daily còn bày tỏ hy vọng về việc “tái thiết” mối quan hệ Mỹ - Trung theo hướng tốt đẹp hơn.
Dù vậy, ông Biden đã thay đổi lập trường và trở nên cứng rắn với Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua. Điều này cũng được ông thể hiện rõ trong chiến dịch tranh cử.
|
Khi còn là phó tổng thống dưới thời Obama, ông Joe Biden đã tích cực phát triển quan hệ với giới chức Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Bài xã luận hôm 8/11 của tờ Global Times đã bình luận từ góc nhìn thực tế: “Trung Quốc không nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng nào về việc ông Biden sẽ xoa dịu hay cải thiện mối quan hệ Mỹ - Trung. Trung Quốc phải trở thành một quốc gia mà Mỹ không thể gây sức ép”.
Đối phó với Trung Quốc theo cách khác
Việc ông Joe Biden thay đổi thái độ với Trung Quốc phần nào phản ánh mối quan hệ Mỹ - Trung đang trên đà căng thẳng. Trong những năm gần đây, các đảng chính trị ở Washington đều coi Bắc Kinh là một mối đe dọa đối với trật tự thế giới.
Sau khi ông Joe Biden được truyền thống Mỹ đưa tin đắc cử tổng thống, nhiều chuyên gia chính trị nhận định ông sẽ thực hiện lời hứa khi tranh cử: Đối phó với Trung Quốc theo cách toàn diện và quyết đoán hơn Tổng thống Donald Trump.
Nhà ngoại giao kỳ cựu James Greens nhận định: “Ngay từ bước định hình chính sách, ông Biden phải tỏ ra cứng rắn để không bị coi là mềm mỏng với Bắc Kinh. Do đó, việc khôi phục quan hệ Mỹ - Trung không phải là một lựa chọn”.
Song điểm khác biệt là chính quyền Biden tương lai dự định hợp tác chặt chẽ với các đồng minh, sử dụng cơ chế đa phương để ngăn cản tham vọng của Trung Quốc. Cụ thể, ông Biden có thể sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh tại châu Âu, Đông Á và Thái Bình Dương, từ đó thúc đẩy một “mặt trận chống Trung Quốc thống nhất”.
Wendy Cutler, cựu quan chức thương mại cấp cao trong chính quyền Obama, hiện giữ chức phó chủ tịch của Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận xét chính sách dưới thời ông Biden “sẽ ít hỗn loạn và dễ đoán hơn”. Bà Cutler cho biết: “Điều quan trọng là ông Biden sẽ tìm cách lôi kéo các nước khác để xây dựng phản ứng tập thể với Trung Quốc. Trước đây, ông Trump chỉ đưa ra những hành động đơn phương và không mấy hiệu quả”.
|
Ông Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC hôm 4/11, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke cũng chia sẻ quan điểm tương tự về quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai. Ông Locke cho rằng: “Hợp tác đa phương là cách tiếp cận duy nhất để thành công và để khiến Trung Quốc thực sự coi trọng vấn đề này”.
Cựu đại sứ giải thích: “Nếu các quốc gia khác trên thế giới không tham gia, nước Mỹ sẽ phải chiến đấu trong đơn độc. Khi ấy, Mỹ chắc chắn nhận phần thua còn người dân và các doanh nghiệp trong nước đều phải chịu thiệt hại”.
Tương lai cho quan hệ Mỹ - Trung
Đến nay, giới chức Bắc Kinh vẫn giữ thái độ thận trọng trước tin thắng cử của ông Joe Biden.
Trong bài phát biểu trước đó vài ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yu Cheng) đã bày tỏ hy vọng rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra suôn sẻ và tân tổng thống “có chung chí hướng” với Bắc Kinh.
Trong bài xã luận mới đây, tờ Global Times tỏ ra lạc quan về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, đồng thời đề xuất hai nước bắt đầu khôi phục quan hệ bằng các chính sách thương mại. Tờ báo bình luận: “Việc nới lỏng và kiểm soát quan hệ giữa hai nước là vì lợi ích chung của nhân dân và cộng đồng quốc tế”.
Tương tự, tờ China Daily tin tưởng rằng thương mại là “sợi dây gắn kết hai bên”, đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục niềm tin lẫn nhau. Tờ báo còn đề cao việc Bắc Kinh và Washington chưa từng hủy bỏ hiệp định thương mại nào trong suốt quá trình thương chiến căng thẳng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh - giáo sư Huang Jing - cho biết cả hai nước sẽ tập trung duy trì tính ổn định của thị trường tài chính, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng và suy thoái bắt nguồn từ đại dịch Covid-19.
Cũng theo ông Huang Jing, Bắc Kinh và Washington có thể sẽ cùng xây dựng một cơ chế xử lý khủng hoảng thích hợp cho các vấn đề nhạy cảm nhằm ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang, dẫn tới nguy cơ xung đột.
Song ông Jing không đặt quá nhiều kỳ vọng vào chính quyền mới của Mỹ bởi họ phải giải quyết nhiều vấn đề trong nước trước khi tập trung vào chính sách đối ngoại để đối phó với Trung Quốc.
“Chúng ta chỉ có thể kỳ vọng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra theo hướng ổn định và dễ đoán hơn. Sau tất cả, điều thực sự nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của thế giới là việc không bên nào tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh công bằng chỉ vì lợi ích cá nhân”, giáo sư Jing kết luận.
Theo Uyên Uyên/Zingnews.vn