Những yếu tố kích động đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Google News

(Kiến Thức) - Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với hỗn hợp nguy hiểm giữa phân cực chính trị-xã hội, tăng trưởng kinh tế sụt giảm và leo thang căng thẳng ở cả trong và ngoài nước.

Không giống như bất ổn chính trị-kinh tế trong những năm 1970 và 1990, cuộc khủng hoảng hiện nay phần lớn là kết quả của xung đột giữa chính sách đối nội-đối ngoại thực dụng của Thổ Nhĩ Kỳ và mưu đồ thâu tóm toàn bộ quyền lực vào tay Tổng thống Erdogan.
Đó là nhận định của giáo sư Pavel Shlykov của Viện Nghiên cứu Á-Phi trực thuộc Đại học Quốc gia Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ đang sa vào khủng hoảng
Theo giáo sư Pavel Shlykov, cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện qua một số yếu tố cụ thể sau đây.
Thứ nhất, tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị và xã hội của đất nước cũng như tất cả các cơ quan nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đang chìm trong khủng hoảng.
Thứ hai, nhận thức của công chúng về tương lai mờ mịt đang gia tăng. Mọi người nhận ra rằng mô hình phát triển xã hội-chính trị hiện tại là không ổn.
Thứ ba, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang dần xây dựng được ảnh hưởng chính trị và qua đó đặt nền tảng cho một cuộc đảo chính quân sự.
Thứ tư, vấn đề người Kurd thời gian gần đây đã bước vào giai đoạn mới và tình hình ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ có thể được mô tả như một nội chiến tranh nóng giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng người Kurd. Hơn nữa, cuộc xung đột ở Syria đang tác động đến chính sách đối ngoại, đối nội của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối cùng, triển vọng chính trị của đảng cầm quyền Công Lý và Phát triển (do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thành lập) là mơ hồ trong môi trường hiện tại.
Tổng thống Erdogan và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Trong báo cáo trình bày tại Trung tâm Carnegie ở Moscow, giáo sư Shlykov phân tích câu hỏi: Liệu có xảy ra một cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Quân đội tích cực tham gia vào các quá trình chính trị đã là một phần của lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những năm 2000, ông Erdogan tuyên bố cải cách mối quan hệ giữa các tổ chức quân sự và dân sự. Theo lịch trình chính trị của ông, quân đội sẽ không được phép can thiệp vào công việc của chính phủ.
Nhung yeu to kich dong dao chinh o Tho Nhi Ky
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang hội đủ cả ba tiêu chí dẫn đến đảo chính quân sự.
Một cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra nếu ba tiêu chí sau đây được thỏa mãn đồng thời: cuộc khủng hoảng chính trị trở nên sâu sắc, mối đe dọa bên ngoài tăng cao và sự leo thang đột biến trong vấn đề người Kurd. Và theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang hội đủ cả ba tiêu chí này.
Sau khi Ankara đình chỉ tiến trình hòa bình với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan Kurd đã thiết lập một liên minh chiến thuật với giới quân sự mà ông ta từng trấn áp trong hai năm 2007-2008.
Sự hợp tác giữa Tổng thống Erdogan và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trở nên rõ ràng vào mùa thu năm 2015, trong chiến dịch quân sự ở khu vực đông nam chủ yếu có người Kurd sinh sống. Để ve vãn giới tướng lĩnh, ông Erdogan thừa nhận rằng chính sách trước đây của ông đối với quân đội là sai lầm. Hơn nữa, ông ta đã tìm thấy một vật tế thần cho "sai lầm" của mình là nhà thuyết giáo Thổ Nhĩ Kỳ Fethulah Gulen hiện đang sinh sống tại Pennsylvania.
Tất nhiên, vào thời điểm hiện nay, quân đội là một trong những lực lượng chính trị mạnh nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng quân đội không dễ tiến hành đảo chính quân sự như đã từng làm vào năm 1960, 1971 và 1980. Vào thời điểm này, quân đội khó có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi công chúng.
Trong nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, quân đội cũng đóng một vai trò làm đối trọng với chính sách đối ngoại nguy hiểm của Tổng thống Erdogan. Cách đây một năm, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không ngăn cản ông Erdogan xâm lược Syria và tình trạng này được lặp lại vào tháng trước.
Vấn đề người Kurd
Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với các vấn đề của người Kurd trong hơn 30 năm qua. Theo ước tính, có đến 15-20 triệu người Kurd sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và chiếm đến 15% dân số nước này.
Xét theo quan điểm chính trị, người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ có thể được chia thành ba nhóm: những người ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK), người Kurd Alawite ủng hộ quan điểm cánh tả và dân chủ xã hội và đa số người Kurd bảo thủ tôn giáo (chiếm tới 50%), những người trong năm 2000 tuyên bố trung thành với đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan.
Sự hỗ trợ của phần lớn người Kurd dành cho Đảng Công lý và Phát triển có lợi cho Ankara. Vì vậy, đa số người Kurd bảo thủ đã được tích hợp vào hệ thống xã hội và chính trị của đất nước. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi nội chiến Syria bắt đầu và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) xuất hiện.
Sau khi Ankara từ chối giúp thị trấn Kobane của người Kurd tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ bị phiến quân IS vây khốn, đa số người Kurd bảo thủ từ bỏ lòng trung thành của họ đối với Erdogan và đảng của ông ta. Họ thậm chí còn thất vọng hơn sau khi đối thoại giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd bị đình chỉ.
Một yếu tố quan trọng gây bất ổn cho Thổ Nhĩ Kỳ là đường biên giới lỏng lẻo với Syria dài 822 cây số. Những phần tử cực đoan từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ để chữa trị thương tích mà còn tiến hành tấn công khủng bố, phá hoại an ninh quốc gia của nước này.
Tuy nhiên, các mối đe dọa an ninh quốc gia sẽ không củng cố xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, mà thay vào đó sẽ chỉ làm sâu sắc thêm những rạn nứt chính trị trong nước. Không giống như trước, xung đột quân sự với người Kurd không còn nhận được hỗ trợ rộng rãi của dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ.
Cái bẫy Syria
Trong năm 2015, diễn biến tình hình ở Syria không mấy thuận lợi đối với Ankara. Sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga trong tháng 11/2015, Ankara bị mất cơ hội thao túng tình hình Syria.
Trong những tuần qua, truyền thông ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tin rằng bây giờ chính là thời điểm lý tưởng để can thiệp vào cuộc xung đột Syria. Tuy nhiên, đây chỉ là thủ đoạn tuyên truyền để trấn an dân chúng.
Có một số lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.
Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, mọi chiến dịch mặt đất đều đỏi hỏi sự yểm trợ từ trên không. Hiện nay, không phận Syria do Các lực lượng Không gian vũ trụ Nga kiểm soát và máy bay Thổ Nhĩ Kỳ không được phép xâm nhập khu vực này.
Thứ hai, can thiệp quân sự vào Syria sẽ gây ra vấn đề ngoại giao nghiêm trọng đối với Ankara. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được sự hỗ trợ của Ả-rập Xê-út và các chế độ quân chủ vùng Vịnh khác. Tuy nhiên, nó sẽ châm ngòi một cuộc xung đột với Mỹ và Nga. Hơn nữa, nếu can thiệp quân sự, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng một lúc: chống lại Quân đội Syria, phiến quân IS, một số nhóm đối lập và lực lượng dân quân người Kurd. Rõ ràng, Tổng thống Erdogan không sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Cuối cùng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn can thiệp quân sự vào Syria, nước này phải chiến đấu với người Kurd ở phần đông nam của đất nước. Do đó, cuộc xung đột có thể lan rộng sang toàn bộ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước ngã ba đường
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở ngã ba đường và phải lựa chọn giữa một nước cộng hòa do “siêu Tổng thống” Erdogan cai trị và một quốc gia tự do dân chủ giống như một quốc gia Châu Âu, nhưng với một số đặc điểm cụ thể.
Tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào ban lãnh đạo của nước này. Theo hiến pháp, người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là Thủ tướng Ahmet Davutoglu. Nhưng trên thực tế, quyền lực được tập trung trong tay Tổng thống Erdogan.
Thủ tướng Davutoglu là thuộc hạ của Tổng thống Erdogan và là một chính trị gia yếu kém mờ nhạt hơn nhiều so với ông thầy của mình.
Rạn nứt quan hệ với Nga
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria vào tháng 11/2015, quan hệ Moscow-Ankara đã biến thành quan hệ thù địch. Khó có thể xảy ra sự cải thiện quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nào trong tương lai gần.
Tình hình đang phát triển theo chiều hướng xấu. Thế giới hiện đang chứng kiến một cuộc xung đột sâu sắc giữa Moscow và Ankara, một cuộc xung đột chỉ có thể giảm đi nếu vai chính tham gia kịch bản đối đầu hiện nay rời khỏi chính trường.
Video Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga (Nguồn VTV3):
 
 
 
 


Minh Châu (Theo Sputnik News)