Theo ước tính, kết quả của cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 ở Myanmar, cuộc bầu cử tự do đầu tiên kể từ năm 1990, cho thấy thắng lợi áp đảo của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi cầm đầu.
|
Bà Suu Kyi vẫn chưa thoát khỏi vòng kim cô của quân đội.
|
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước và phe đối lập vẫn có thể “thất bại trong chiến thắng” ngay cả khi kết quả kiểm phiếu cho thấy họ chiến thắng áp đảo.
Theo kết quả sơ bộ của Ủy ban bầu cử, cho đến nay, 143 ghế trong tổng số 165 ghế đã được công bố và đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển(USDP) chỉ giành được 12 ghế trong quốc hội Myanmar. USDP đã công khai thừa nhận thất bại.
NLD dự kiến sẽ chiếm đến 90% trong số 491 ghế trong quốc hội được đem ra bầu lần này. Quốc hội Myanmar có tổng cộng 664 ghế, nhưng 25% số ghế được dành riêng cho quân đội.
Các quan sát viên bầu cử nói rằng cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar đã diễn ra trong một "bầu không khí yên tĩnh và hòa bình", nhưng nhiều người Hồi giáo đã không thể tham gia bầu cử, đặc biệt là những người thuộc sắc dân tộc thiểu số Rohingya.
Trong hai cuộc phỏng vấn hôm 10/11, bà Aung San Suu Kyi nói rằng bà “sẽ giành quyền quyết định” và tổng thống tiếp theo sẽ có "không có thẩm quyền".
Thế nhưng, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức và rào cản trên con đường biến Myanmar thành một xã hội dân chủ. Dưới đây là một số trong những thách thức chính:
Bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống Myanmar
Ngay cả khi đảng NLD chiến thắng vang dội, bà Suu Kyi cũng không thể trở thành tổng thống Myanmar. Hiến pháp Myanmar qui định rằng bất cứ ai đã kết hôn với công dân nước ngoài hoặc có con là người nước ngoài đều không thể trở thành tổng thống. Trong khi đó, bà Suu Kyi có người chồng quá cố và hai con trai là công dân Anh.
Trong cuộc phỏng vấn trước thềm tổng tuyển cử, bà Suu Kyi cho biết nếu đảng của bà thắng cử, bà sẽ điều hành chính phủ thông qua một vị “tổng thống danh nghĩa”. Tuy nhiên, bà không cho biết sẽ cử ai giữ chức tổng thống. Chỉ có điều, không một chính khách nào trong Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi có kinh nghiệm điều hành chính phủ.
Sức mạnh của quân đội
Bất kể đảng nào giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần này, quân đội Myanmar vẫn nắm quyền kiểm soát và gây ảnh hưởng đối với chính phủ. Theo hiến pháp, 25% số ghế trong Quốc hội Myanmar được dành riêng cho quân đội.
Điều đó có nghĩa là phe đối lập do bà Suu Kyi lãnh đạo phải giành được 2/3 số ghế trong Quốc hội Myanmar để có thể sửa đổi hiến pháp. Quân đội cũng nắm quyền kiểm soát ba bộ quan trọng giám sát công an, quân đội, các vấn đề biên giới và một bộ máy quan liêu rộng khắp trên cả nước. Hiến pháp Myanmar cho phép quân đội có quyền hạn đặc biệt, kể cả quyền trực tiếp điều hành đất nước vì những lý do mơ hồ như đảm bảo "an ninh quốc gia" và "đoàn kết dân tộc". Điều này có nghĩa là quân đội có thể chiếm lại quyền kiểm soát, nếu cảm thấy phù hợp.
Xung đột sắc tộc
Tháng trước, chính phủ Myanmar đã ký thỏa thuận ngừng bắn với nhiều nhóm dân tộc thiểu số vũ trang. Các thỏa thuận này trên danh nghĩa chấm dứt nhiều thập niên xung đột vũ trang, nhưng các nhóm có sức mạnh quân sự lớn nhất lại không chịu ký kết thỏa thuận này.
Trong số các nhóm vũ trang không chịu ký kết thỏa thuận ngừng bắn có nhóm vũ trang Kachin, nhóm chiến đấu chống lại chính phủ dữ dội nhất trong những năm gần đây.
Vấn đề người Hồi giáo và người Rohingya
Bà Suu Kyi đã bị chỉ trích nhiều ở nước ngoài vì không bảo vệ quyền của người Hồi giáo và sự im lặng trước cảnh khốn cùng của những người Rohingya. Bà chỉ nói rằng nhiệm vụ của bà là hòa giải giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo. Trong cuộc họp báo trước thềm bầu cử, bà kêu gọi báo chí không được "thổi phồng" vấn đề Rohingya ở một đất nước còn có nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Tổ chức “Vận động Burma” ở London cho rằng đảng NLD của bà Suu Kyi “chỉ xoa dịu chứ không thách thức thành kiến chống lại người Hồi giáo và khiến cho nhiều người Hồi giáo hết hy vọng về việc các hoạt động chống Hồi giáo sẽ chấm dứt".
Một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington Kỳ nhận định rằng "bầu không khí độc" chống lại người Hồi giáo nói chung và người Rohingya nói riêng có thể dẫn đến bạo động và đây chính là cái cớ để quân đội can thiệp vào chính trường “để bảo vệ hòa bình”.
Lần đầu tiên, khoảng 500.000 cử tri đủ điều kiện trong tổng số 1,3 triệu người Rohingya thiểu số ở Myanmar bị cấm tham gia bỏ phiếu. Chính phủ Myanmar coi họ là người nước ngoài, mặc dù gia đình họ đã sống ở Myanmar qua nhiều thế hệ. Cả đảng đối lập lẫn đảng cầm quyền được quân đội hậu thuẫn đều đã không đưa bất cứ ứng cử viên Hồi giáo nào ra tranh cử lần này.
Minh Châu (Theo Strait Times)