|
Nạn nhân đầu tiên và cuối cùng của cuộc nội chiến Syria chính là dân thường.
|
Ngay từ đầu, những người có lý trí cũng nghi ngờ cáo buộc chế độ Assad là thủ phạm duy nhất gây ra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
Tại sao chế độ Assad lại muốn sử dụng vũ khí hóa học, khi đã biết rõ rằng hành động này có thể dẫn đến một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và nhất là khi chế độ này vẫn hoàn toàn kiểm soát không phận Syria để có thể tiến hành các cuộc không kích vào bất cứ mục tiêu nào của quân nổi dậy?
Không phải là cuộc chiến giữa “cái thiện” và “cái ác”
Người ta không nên ảo tưởng rằng cuộc nội chiến Syria chính là cuộc chiến giữa “cái thiện” và “cái ác”.
Cuộc nội chiến Syria không phải là cuộc chiến giữa “cái thiện” và “cái ác”, khi báo cáo của Liên Hợp Quốc nói rằng hai bên đều phạm tội ác chiến tranh. Nếu cuộc nội chiến Syria kéo dài vô hạn định và những kẻ cực đoan ở cả hai phía đều ngày càng gia tăng ảnh hưởng, có một điều rõ ràng là người chiến thắng sẽ trả thù kẻ chiến bại một cách vô cùng khủng khiếp.
Với thời gian, cuộc nổi dậy đòi dân chủ ở Syria ngày càng bị biến thành một cuộc chiến ủy thác của các thế lực bên ngoài kình chống nhau. Mức độ can thiệp vào cuộc nội chiến Syria của Saudi Arabia và Qatar, thông qua việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho các phần tử nổi dậy, cho thấy đây là cuộc chiến mà những người Hồi giáo Sunni tìm cách thống trị các “tà giáo” khác ở Syria.
Từ lâu, trước khi có những cáo buộc tấn công bằng khí hóa học, phương Tây đã cảm thấy khó chịu khi quân đội Syria hoàn toàn làm chủ không phận và sự dụng ưu thế không quân để áp đảo quân nổi dậy. Chính vì vậy mà phương Tây mưu toan thiết lập vùng cấm bay ở Syria và cấm vận vũ khí như đã từng làm với Iraq của Saddam Hussein.
Chia để trị và “không quân của al-Qaeda”
Có lẽ, phương Tây muốn áp dụng chính sách “chia để trị” ở Syria. Việc tạo ra Khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq là một ví dụ khá thành công của việc cách ly các bên tham gia xung đột. Chỉ có điều, người Mỹ đã không thể tách những người Hồi giáo Sunni và Shiite lúc nào cũng lăm le xông vào vặn cổ lẫn nhau. Hậu quả là các vụ đánh bom liên tiếp ở thủ đô Baghdad và ở những nơi khác làm hàng nghìn người thiệt mạng.
Cuộc chiến tranh “giải phóng” Libya khỏi sự kìm kẹp của nhà độc tài Gaddafi đã châm ngòi cho các cuộc xung đột phe phái giữa các những người chiến thắng. Sai lầm của phương Tây là chỉ đóng vai trò “không quân của phe nổi dậy” mà không có khả năng (hoặc không thể) lập ra những đường ranh giới ngăn cách các phe phái kình chống nhau tại Tripoli và Benghazi. Đáng buồn là cho đến nay, tình hình Libya vẫn bất ổn như sau khi lật đổ Gaddafi và Washington đã phải trả giá bằng cái chết của viên đại sứ Mỹ ở Benghazi bởi bàn tay của những kẻ Hồi giáo cực đoan.
Nếu Mỹ đảm nhận vai trò “không quân của phe nổi dậy” (có người còn châm biếm rằng làm “không quân cho Al-Qaeda”), thì tình hình Syria thời hậu Assad còn phức tạp và nguy hiểm gấp bội tình hình Libya hiện nay.
Khi đó, rất có thể nhà nước Syria thế tục đa tôn giáo hiện nay bị biến thành một nhà nước Hồi giáo thần quyền áp dụng Luật Sharia vô cùng khắc nghiệt. Và biết đâu, phương Tây sẽ bị “gậy ông đập lưng ông”, khi Syria biến thành “thiên đường của al-Qaeda” và đám lính đánh thuê vốn là công dân Âu-Mỹ lũ lượt trở "chuyển lửa về quê nhà" ... với tư tưởng Hồi giáo cực đoan và kinh nghiệm trận mạc đầy mình thu lượm được trong cuộc nội chiến Syria.
Lê Chân (theo Japan Times)