Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu đã leo thang trong những tháng gần đây, để lại một vấn đề nhức nhối cho lãnh đạo các nước nhằm tìm ra một giải pháp hữu hiệu ngăn dòng người đang đổ về lục địa già này.
|
Những người di cư mắc kẹt lại tại nhà ga chính ở Thủ đô Budapest, Hungary.
|
Việc số lượng dân di cư tăng đột biến cũng như việc mở rộng tuyến đường di cư qua các vùng nước Balkan thúc giục các nhà lãnh đạo EU kêu gọi các biện pháp giải quyết khẩn cấp.
Sau đây là những câu hỏi và câu trả lời quan trọng về cuộc khủng hoảng lớn nhất mà châu Âu đang phải đối mặt kể từ Chiến tranh Thế giới 2.
Số lượng người di cư sang Châu Âu tăng đột biến
Tình hình ở Syria, nơi có số lượng người tị nạn nhiều nhất, ngày một xấu đi do sự trỗi dậy của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như cuộc nội chiến chưa có hồi kết. Phát ngôn viên Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, bà Melissa Fleming, cho biết nhiều người tị nạn cố tìm cách sang Châu Âu thay vì tá túc trong các trại tị nạn ở những nước láng giềng như Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Càng lưu lại ở đó, họ càng nhận ra một điều rằng, họ không thể bắt đầu một cuộc sống mới và muốn rời đi, nhất là hiện chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy cuộc nội chiến kéo dài bốn năm ở Syria sớm chấm dứt.
|
Quang cảnh đổ nát của các tòa nhà ở Douma hôm 30/8 sau các cuộc không kích.
|
Trong động thái mới đây nhất, chính phủ Đức thông báo, trong năm nay họ sẽ phải xử lý chừng 800.000 đơn xin tị nạn và họ sẽ không trả người tị nạn về nước nhập cảnh đầu tiên (thông thường là Hy Lạp hoặc Italy). Như vậy, Đức là quốc gia đầu tiên trong Liên minh Châu Âu nới lỏng quy chế xin tị nạn cho những người di cư. Vì lẽ đó, một dòng người khổng lồ cố gắng tới "miền đất hứa" này.
Ngoài người Syria, còn có một số lượng lớn dân di cư từ Eritrea, Nigeria hay Somalia… Họ phải rời bỏ đất nước do chiến tranh, nghèo đói hay sự hoành hành của các nhóm theo chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Chưa kể, nhiều người từ các nước không hứng chịu chiến tranh như Serbia hay Macedona cũng đang rời đất nước để tới những quốc gia Tây Âu để tìm kiếm việc làm.
Hành trình vượt biên đầy nguy hiểm
Số liệu mới nhất của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) cho thấy, hơn 350.000 đã tham gia cuộc hành trình nguy hiểm vượt Địa Trung Hải trong năm nay. Trong đó, 234.770 dân di cư đã tới Hy Lạp, một số lượng còn lớn hơn so với tổng dân di cư ở toàn Châu Âu cộng lại trong năm 2014.
|
Các nhân viên cứu hộ đang cứu những người di cư bị mắc kẹt trong con thuyền gỗ chật ních trôi lênh đênh trên biển Địa Trung Hải hôm 26/8.
|
Liên Hợp Quốc cho biết, những người này thường chọn cách đi thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các hòn đảo như Lesbos, Chios, Samos và Kos.
Ngoài Hy Lạp, Hungary và Italy cũng đang chịu chung hoàn cảnh tương tự. IOM cho biết, tính từ đầu năm cho tới nay, hơn 114.000 người đã tới Italy bằng những con thuyền ọp ẹp khởi hành tới Libya rồi vượt biển Địa Trung Hải. Còn thông tin chính thức cho thấy, tổng cộng 150.000 người tị nạn đã vào lãnh thổ Hungary từ tháng 1/2015 cho tới nay.
Từ những nước trung chuyển này, nhiều người trong số các đối tượng trên tiếp tục sang quốc gia khác với các điểm đến phổ biến nhất là Đức, Thụy Điển và Anh.
Thành phố cảng Calais của Pháp thường diễn ra cảnh tượng rượt đuổi giữa cảnh sát và hàng trăm người di cư cố gắng chạy sang Anh trái phép thông qua đường hầm Channel. Tuy nhiên, số lượng dân di cư ở đây chỉ vào chừng 1-2,5% trong số hơn 200.000 đã chạy sang Italy và Hy Lạp năm nay.
Những thảm kịch thương tâm
Hôm 1/9, hàng trăm người di cư mắc kẹt lại bên ngoài nhà ga xe lửa chính ở thủ đô Budapest sau khi chính quyền địa phương ngừng tất cả các chuyến tàu đến và đi ở nhà ga này. Lệnh cấm đó được thực thi chỉ 24 giờ sau khi cảnh sát bất ngờ cho phép nhiều người tị nạn mắc kẹt nhiều ngày lên tàu sang Đức.
|
Xe tải chở đông lạnh chứa 71 thi thể nạn nhân chết ngạt.
|
Trước đó một ngày, cảnh sát Áo đã phát hiện thi thể của 71 nạn nhân bị chết ngạt bên trong thùng xe tải chở hàng đông lạnh nằm lại bên lề đường cao tốc chạy từ Hungary sang. Cảnh sát cho rằng, họ đã chết cách đó hai ngày và là những người tị nạn Syria.
Liên minh EU làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư?
EU bắt đầu hành động sau sự cố thuyền chở 850 người di cư bị lật ở Địa Trung Hải hồi tháng 4/2015. EU đã tăng cường công tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển cũng như lập ra một nhóm đặc trách để xử lý những kẻ buôn người. Đồng thời, EU cũng lập ra các điểm nóng ở các quốc gia Châu Âu tuyến đầu để phân loại những người mới tới là tị nạn chính trị hay tị nạn kinh tế.
|
(Từ trái qua phải) Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic,Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Áo Werner Faymann và Cao ủy viên EU Federica Mogherin tham dự buổi họp báo hôm 27/8 ở Vienna.
|
Tuy nhiên, kế hoạch tái phân bổ 40.000 người di cư đã sụp đổ do những bất đồng giữa các nước EU. Cuối cùng, những nước này đồng ý tiếp nhận 32.000 người, trong đó có 22.500 người Syria xin tị nạn hiện sống ở các trại bên ngoài EU.
Nhiều người cho rằng, số lượng tiếp nhận trên là rất nhỏ so với thực tế. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ công bố những đề xuất mới để giải quyết vấn đề nhập cư ở châu Âu vào tuần tới.
Thanh Nga (theo Strait Times)