Các lực lượng Iraq tái chiếm thành phố Ramadi là một chiến thắng quan trọng và có ý nghĩa biểu tượng.
|
Quân đội Iraq phất cờ chiến thắng tại Tòa thị chính thành phố Ramadi.
|
Chiến thắng Ramadi đã phá vỡ ngộ nhận rằng một Caliphate (Đế chế Hồi giáo” của IS là không thể tránh khỏi hoặc khủng bố có thể giành được con tim và khối óc của người dân. Với việc mất đi một thành phố lớn có ý nghĩa chiến lược như Ramadi, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đánh mất sức hấp dẫn của nó đối với các tín đồ Hồi giáo.
Cũng cần phải nhắc lại rằng chiến thắng như chẻ tre của phiến quân IS trong hai năm 2014-15 là nhờ “tình trạng chân không” về đạo đức và chính trị” ở cả Iraq lẫn Syria. Ở hai nước Trung Đông này, các nhà lãnh đạo đã không chịu thực thi dân chủ và lắng nghe ý kiến của thiểu số tôn giáo, sắc tộc. Thái độ bất mãn, đặc biệt trong các cộng đồng thiểu số Sunni ở Iraq, đã khiến cho nhiều vùng lãnh thổ có đông người Hồi giáo Sunni dễ dàng rơi vào tay nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ở Syria, còn lâu mới lập đầy “khoảng trống đạo đức-chính trị” hiện hữu. Nhưng chiến thắng Ramadi đã cho thấy sự tiến bộ của Iraq trong việc chữa chạy căn bệnh kinh niên vốn chia rẽ các tôn giáo và sắc tộc.
|
Thủ tướng Haider al-Abadi ca ngợi sự hợp tác của "đảng phái, tôn giáo và các giáo phái khác nhau" đã làm nên chiến thắng Ramadi.
|
Trong thông báo tái chiếm Ramadi trên truyền hình, Thủ tướng Haider al-Abadi ca ngợi sự hợp tác của "đảng phái, tôn giáo và các giáo phái khác nhau" giữa các lực lượng khác nhau (Sunni, Shiite và các bộ tộc) ở Iraq. Ông cho biết các lực lượng cảnh sát Sunni sẽ là lực lượng chủ yếu tuần tra thành phố có đông người Sunni sinh sống và gạt đi những lo ngại về việc các dân quân người Shiite có thể gây tổn hại cho cư dân. Ông Abadi cũng hứa sẽ xây dựng tình đoàn kết dân tộc, tôn giáo của các lực lượng an ninh Iraq và tái chiếm Mosul – thành phố lớn thứ hai ở Iraq và có người Sunni chiếm đa số - vào năm 2016.
Quân đội Iraq chỉ mạnh và chiến đấu có hiệu quả, nếu tất cả các công dân Iraq (bất kể tôn giáo và sắc tộc) cảm thấy được bình đẳng ở tại đất nước họ. Đây là yêu cầu tối thiểu đối với bất kỳ nền dân chủ lập hiến nào.
Trước đó, người Hồi giáo Sunni không phải là những người duy nhất kêu ca về tình trạng phân biệt đối xử của chính quyền Baghdad do người Hồi giáo Shiite chiếm đa số. Người Kurd, người theo Thiên chúa giáo, người Yazidi và nhiều người khác cần phải được tôn trọng trong nền dân chủ Iraq. Cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Abadi - người lên nắm quyền vào cuối năm 2014 – đã đi đúng hướng.
Thủ tướng Abadi đã lắng nghe lời khuyên Đại giáo chủ Ali al-Sistani, người từ lâu đã tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa những người Hồi giáo Sunni và Shiite. Đại giáo chủ Ali al-Sistani và các giáo sĩ khác ở thành phố Najaf – thánh địa linh thiêng của người Hồi giáo Shiite - đã tiến rất xa trong việc hòa hợp giáo phái sắc tộc. Thành phố Najaf đã trở nên nổi tiếng với các cuộc hội thảo nhằm xây dựng lòng tin giữa nhiều tôn giáo và các sắc ở Iraq.
|
Đại giáo chủ Ali al-Sistani, người từ lâu đã tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa các cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shiite. |
Trong năm 2013, một giáo sĩ nổi tiếng là Jawad al-Khoei đã khởi công xây dựng một khu phức hợp lớn mang tên Tiếp xúc và Đối thoại đa tôn giáo. Ngoài ra, Đại học Kufa - trường đại học lớn nhất ở thành phố Najaf - cũng đã trở thành một nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn để tìm cách khắc phục những khác biệt giáo phái.
Đây là những bước đi rất cần thiết của các nhà lãnh đạo tôn giáo Shiite nhằm giúp hình thành một môi trường chính trị thế tục và toàn diện cho đất nước. Các lực lượng bên ngoài như Mỹ và Iran không làm nổi điều này.
Để đánh thắng cái quái thai mang tên Nhà nước Hồi giáo, người ta cần đến các phương tiện quân sự. Nhưng điều này chỉ trở thành hiện thực khi các công dân Iraq tìm thấy những điểm tương đồng thông qua đức tin. Chính chiến thắng ở Najaf đã và đang giúp mang lại chiến thắng quân sự ở các thành phố khác, trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS.
Minh Châu (Theo CSM)