|
Hiện trường vụ đánh bom hàng loạt trước trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thành phố Thái Nguyên.
|
Theo Tân Hoa xã, vụ nổ bom hàng loạt táo tợn ngay trước trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc ở thành phố Thái Nguyên do một người hoặc một nhóm kẻ giấu mặt tự chế bom (bom được tự chế trong nước) có nhồi thêm bi sắt để tăng tính sát thương. Vụ việc này diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm.
Đó là khi vụ “tấn công khủng bố” chết người tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vừa diễn ra cách đó chưa đầy một tuần với nghi phạm được cho là đến từ Tân Cương. Vụ nổ bom hàng loạt cũng diễn ra 2 ngày trước khi các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc họp bàn để thảo luận về tương lai của quốc gia trong một phiên họp toàn thể lần thứ 3.
Vụ đánh bom ngay lập tức trở thành đề tài thảo luận nóng của dư luận Trung Quốc trên các trang mạng xã hội, diễn đàn lớn như Sina, Weibo, Twitter…
Bản tin thông báo về vụ nổ bom từ tài khoản Weibo chính thức của cảnh sát Thái Nguyên nhận được hơn 8 nghìn lượt bình luận sau khi đăng lên không lâu.
|
Cửa sổ một ô tô bị vỡ vì chịu áp lực từ vụ nổ bom.
|
Đáng ngạc nhiên, một phần không nhỏ các bình luận lại tỏ ra cảm thông với nghi phạm (hoặc các nghi phạm). Một người sử dụng Weibo bức xúc bình luận: “Dưới áp lực của chính phủ, mọi dân thường… đều có thể trở thành những kẻ khủng bố”. Trong khi đó, một người khác viết: “người dân không thể kìm nén được” khi phải gánh chịu một sức ép đủ lớn”.
Một số dân mạng bày tỏ sự bức xúc đối với những vị quan chức tham nhũng, lạm quyền ngồi bên trong các tòa nhà chính phủ và nhấn mạnh: “Nếu không làm tổn thương người vô tội, thì việc đánh bom thổi bay một vài quan chức tham nhũng chẳng có gì là xấu”.
Một dân mạng khác viết: “Bất cứ kẻ nào làm tổn hại những người dân vô tội thì sẽ là khủng bố, còn nhắm vào quan chức chỉ là hành động trả thù”.
Cũng có những lời bình luận cho rằng, vụ đánh bom hàng loạt nhắm vào Thị trưởng thành phố Thái Nguyên Geng Yanbo. Những người này cho rằng, ông Geng đã gây thù chuốc oán với một số người kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2. Các dự án xây dựng tham vọng mà Thị trưởng Geng theo đuổi khiến nhiều dân thường phải di dời cũng bị tranh cãi.
Trong khi đó, một bộ phận dư luận lên án những kẻ đánh bom làm hại người vô tội, đồng thời phê phán, chỉ trích những ai có thái độ kích động, ủng hộ, khuyến khích thủ phạm.
Nhiều dân mạng chia sẻ, thật đau xót và tàn nhẫn khi làm hại “người vô tội” và bày tỏ “chuyện gì đang xảy ra với những người kích động, ủng hộ và khuyến khích hành vi này”.
Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về nghi phạm hoặc động cơ của vụ đánh bom. Trong khi, dân mạng Trung Quốc phân tích, vụ đánh bom xảy ra vào đúng thời điểm các cơ quan chính phủ bắt đầu làm việc và trước đó 6 ngày, một ủy ban đặc biệt từ Bắc Kinh đã đến Sơn Tây để điều tra tham nhũng. Từ đó, dân mạng Trung Quốc cho rằng, rất có khả năng, ai đó gây ra vụ đánh bom hàng loạt để gây chú ý đặc biệt và rộng rãi hơn nhằm để thực hiện mục đích riêng.
Các cuộc tranh luận của dân mạng Trung Quốc về vụ đánh bom hàng loạt trước trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thái Nguyên khiến nhiều người liên tưởng tới nhiều trường hợp công dân quá bất mãn đã sử dụng bạo lực để giải tỏa.
Chẳng hạn, năm 2008, một người đàn ông thất nghiệp tên là Yang Jia đã giết chết 6 nhân viên cảnh sát ở Thượng Hải vì bất mãn với thái độ và hành động lạm quyền của những người có trách nhiệm bảo vệ công dân. 15/10, tòa án Trung Quốc đã kết án lái xe taxi, Ji Zhongxing 6 năm tù vì đặt bom ở một sân bay lớn của Bắc Kinh để trả thù vụ bị cảnh sát hành hung năm 2005.
Bạch Dương (theo TLN)