Belgorod: Thành phố của tình thân ái
“Belgorod là thành phố thân ái và thịnh vượng”, đó là nội dung tấm biểu ngữ được treo khắp thành phố 400.000 dân và cách biên giới với Ukraine chừng 40 km, cách Moscow 700 km theo hướng nam.
Tuy vậy, không ít dân địa phương tỏ ra oán giận những người tị nạn tới từ nước láng giềng, cũng như cảm thấy bất mãn với những lợi ích mà họ nhận được từ chính quyền. “Cuộc sống giờ khó khăn bởi vì chính quyền cái gì cũng ưu tiên cho các người”, một bà lão hét vào mặt nam công dân Ukraine ở một khu chợ.
|
Những người tị nạn xếp hàng chờ lấy đồ viện trợ ở Mariupol.
|
Chính quyền Nga công bố rằng, mỗi công dân tị nạn Ukraine nhận khoản trợ cấp 800 rúp (khoảng 20 USD) hằng ngày, bao gồm chi phí mua thực phẩm và chỗ ăn ở.
Một số doanh nghiệp nước này cũng đóng góp một phần vào việc hỗ trợ những người Ukraine không may mắn. Cụ thể, Lukoil, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của Nga, sẽ mua các vật dụng, hàng hóa để quyên góp cho những người tị nạn với tổng số tiền lên tới 3,5 triệu rúp. Theo thống kê của chính quyền thành phố Belgorod, hơn 60.000 người tị nạn Ukraine đã tới tỉnh họ.
Sự xuất hiện của người tị nạn lại là điều nhắc nhở dân Nga về một cuộc xung đột ác liệt đang diễn ra ngày ngày ở vùng miền đông Ukraine. Thỉnh thoảng, họ bắt gặp hình ảnh các xe cứu thương quân sự, các tàu hỏa chở trang thiết bị quân sự hay các xe bọc thép ở vùng ngoại ô thành phố mặc dù chính phủ Nga bác bỏ các cáo buộc rằng Nga hậu thuẫn phe ly khai ở miền đông Ukraine. Nhiều người tị nạn tụ tập xung quanh các văn phòng nhập cư địa phương ở Belgorod.
Quay trở lại trường hợp gia đình Divenko, sau 3 tháng chờ đợi, cuối cùng họ cũng nhận được giấy phép tị nạn thời hạn 1 năm từ văn phòng nhập cư. Qua đó, toàn bộ thành viên của gia đình này sẽ nhận các bữa ăn miễn phí, nưi trú thân và các dịch vụ y tế.
Hiện, anh Divenko cùng vợ con sống tại một căn hộ xuống cấp. Chủ sở hữu đang rao bán căn nhà này. Do vậy, họ luôn trong tư thế sẵn sàng chuyển đi nơi khác bất cứ lúc nào có người mua nó.
Còn anh Sergei Divenkonay tới làm ở một xưởng sửa chữa ô tô với mức lương 20.000 rúp (500 USD) một tháng. Trong khi đó, mỗi tháng, anh đã phải trích ra 12.000 rúp để trả tiền thuê phòng.
“Chúng tôi từng nghĩ cho lũ trẻ đi học, nhưng sống ở đây khá là chật vật. Đấy là chúng tôi đã được ăn miễn phí và nhận quần áo của người dân quyên góp”, anh nói. Gia đình anh trước đây cũng kiếm được khoản tiền như vậy mỗi tháng hồi còn ở Ukraine. Tuy nhiên, cuộc sống ở đó có phần thoải mái hơn.
Cơ hội tìm việc làm
Đứng hòa cùng dòng người ở văn phòng nhập cư thành phố Belgorod, một người phụ nữ xưng tên Alla háo hức chờ đợi viễn cảnh của một cuộc sống tốt đẹp hơn so với hồi còn ở thị trấn Yenakieve, Ukraine, nơi cô làm trong một nhà máy khai thác than đá. Khi tới Nga, cô nhận được một cuộc gọi phỏng vấn xin việc.
Cô Alla cho biết, người dân ở quê hương Yenakiieve quả thực mệt mỏi với “cuộc sống như những người ăn xin”. Mọi người phải nộp các khoản thuế cho chính quyền trung ương ở Kiev. “Tất cả số tiền đó sẽ tới Kiev. Còn chúng tôi chỉ nhận lại được những đồ thừa thãi”.
“Chúng tôi vừa mới tuyển dụng một người tị nạn Ukraine. Nếu họ đáp ứng các yêu cầu công việc, chúng tôi sẵn sàng dang rộng vòng tay để đón nhận họ vào làm”, ông Sergei Samsonov, người đứng đầu một doanh nghiệp dầu khí đóng trụ sở ở thành phố này, nói.
|
Những trẻ em tị nạn người Ukraine vui đùa với một anh lính cứu hỏa Nga ở trạm Krasnoyarsk.
|
Bây giờ, dân tị nạn Ukraine dường như có nhiều lựa chọn từ các lời mời chào của doanh nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp đề xuất sẽ cắt trợ cấp của người Ukraine nếu họ từ chối ba lời mời làm việc.
Dân tị nạn đang dần thay thế công nhân nhập cư ở các thành phố Nga vốn tới từ các nước cộng hòa Liên Xô ở Trung Á. Họ sẵn sàng làm những công việc tầm thường mà người Nga không thích hay công việc được trả lương thấp.
Dẫu vậy, không phải ai ở Belgorod cũng chào đón dân tị nạn bởi lẽ chính quyền đang dành phần lớn ưu tiên cho những người dân Ukraine gặp nạn này.
Alexei, sinh viên đại học làm thêm ở một quán cà phê chuyên cấp những bữa ăn miễn phí cho người tị nạn, cho biết: “Chính quyền cung cấp 15 chỗ ở miễn phí cho người tị nạn. Trong khi đó, chúng tôi, những cư dân của thành phố này, phải làm việc nhiều giờ để chi trả cho các khoản sinh hoạt thường ngày”.
Công dân khác của Belgorod tên Alyona nói rằng: “Hãy tưởng tượng, chúng tôi mang quần áo của lũ trẻ tới các điểm quyên góp từ thiện. Thay vì nói cảm ơn, họ lại muốn nhiều hơn”.
Con trai 8 tuổi của gia đình Divenko tên Bogdan dường như cảm nhận được sự oán giận đó. Cậu bé kể rằng, ở trường, cậu thường bị phân biệt đối xử. Dẫu vậy, Bodgan vẫn cảm thấy an toàn và mơ ước một ngày được nhập quốc tịch Nga. “Khi nào cháu mới trở thành một người Nga? Đối với những người ở trường cháu đang học, họ chỉ coi cháu là một người tị nạn mà thôi”, cháu bé nói.
Thanh Nga (theo MT)