Đó là nhận định của nhà báo Wladimir van Wilgenburg, một chuyên gia về chính trị Iraq và người Kurd.
|
Masoud Barzani, người đứng đầu Khu tự trị Kurdistan ở Iraq (KRG). Ảnh: Reuters |
Phát biểu với Đài Sputnik, nhà báo hành nghề tự do và là một chuyên gia về vấn đề người Kurd Wladimir van Wilgenburg nói rằng bằng cách thu hồi Kirkuk, chính phủ ở Baghdad đã "đánh gãy sống lưng người Kurd" và làm cho họ "rất khó thực hiện kết quả cuộc trưng cầu dân ý” ngày 25 tháng 9 năm 2017. Ông nói thêm: "Điều đó không có nghĩa là không có sự ủng hộ đối với nền độc lập của người Kurd, nhưng ít nhất cho tới bây giờ cuộc trưng cầu dân ý này đã lui vào dĩ vãng”.
Tháng trước, người Kurd Iraq đã tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, với kết quả 92,7% cử tri bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Chính phủ liên bang ở Baghdad đã bác bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này.
Khi được hỏi lựa chọn nào dành cho người Kurd Iraq vào thời điểm hiện nay, nhà báo Wilgenburg nhấn mạnh rằng ít nhất là về mặt quân sự, các lựa chọn là hạn chế. Ông giải thích: "Vấn đề ở chỗ lực lượng Peshmerga của người Kurd đã và đang rút khỏi hầu hết các khu vực tranh chấp và không còn tiếng nói ở các vùng lãnh thổ này nữa. Do đó rất khó khăn cho người Kurd ở Iraq để đảo ngược xu thế (bất lợi) này”.
Theo nhà phân tích Wilgenburg, "phương Tây và Mỹ có thể gây sức ép, khiến Baghdad không tiến xa hơn nữa. Có lẽ, đàm phán giữa Baghdad và Erbil sẽ dẫn đến một số nhượng bộ hoặc thoả thuận".
Chân lý thuộc về kẻ mạnh?
Cuối cùng, nhà báo Wilgenburg nhấn mạnh rằng điều cần nhớ trong cuộc xung đột ngoại giao giữa Baghdad và Khu tự trị Kurdistan là “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Ông nói thêm: "Người Kurd đã có một cuộc bầu cử dân chủ , với đa số ủng hộ độc lập. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng trong cộng đồng quốc tế, không phải nhân quyền hay luật pháp quốc tế mà là về quyền lực thực sự, quyền lực cứng mới có tiếng nói quyết định. Vì vậy, kẻ mạnh sẽ là người thắng cuộc. Đây là điều mà chúng ta đang chứng kiến (ở Iraq)”.
Cuối cùng, khi được hỏi về tương lai của Khu tự trị Kurdistan (KRG) ở Iraq, nhà quan sát Wilgenburg cho rằng các lực lượng ủng hộ chính phủ Baghdad sẽ không tiến vào KRG vốn được Hiến pháp Iraq công nhận. Điều đó có nghĩa là người Kurd vẫn sẽ duy trì một mức độ tự chủ đáng kể.
Về khả năng thành lập một quốc gia Kurdistan độc lập trong tương lai, nhà báo Wilgenburg nói rằng "với Iraq mà chúng ta đã thấy trong vài năm qua, không thể dự đoán được bất cứ điều gì”. Theo ông , người Kurd có ba tỉnh nằm dưới sự kiểm soát của họ, có chính quyền riêng và điều này sẽ không thay đổi trong thời điểm hiện tại.
Hôm 17/10, Thủ tướng Haider Abadi tuyên bố rằng vấn đề trưng cầu dân ý của người Kurd ở Iraq đã "thuộc về quá khứ" và kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Erbil tiến hành đối thoại với Baghdad trên cơ sở Hiến pháp Iraq.
|
Lực lượng Peshmerga của người Kurd vẫn tiếp tục rút lui, bỏ lại phía sau nhiều khu vực mà họ đã chiếm đóng bên ngoài KRG. (Nguồn: SouthFront) |
Trong những ngày gần đây, lực lượng cảnh sát và quân đội Iraq ở tỉnh Kirkuk đã thu hồi các căn cứ quân sự, công sở, các mỏ dầu và cơ sở hạ tầng giao thông tại những khu vực trước đây do người Kurd kiểm soát, với hơn 60.000 thường dân rời thành phố Kirkuk và đi về phía bắc tới Erbil và tỉnh Sulaimaniyya. Hôm 18/10, lực lượng Peshmerga của người Kurd vẫn tiếp tục rút lui, bỏ lại phía sau nhiều khu vực xung quanh thành phố Mosul, bao gồm cả đập Mosul có ý nghĩa chiến lược.
Minh Châu (Theo Sputnik)