Người Kurd Iraq đang châm ngòi thùng thuốc súng Trung Đông là nhận định của nhà báo nổi tiếng James M. Dorsey, một thành viên cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trong bài viết đăng trên trang mạng The Japan Times ngày 21/9/2017.
|
Người Kurd Iraq xuống đường ủng hộ trưng cầu dân ý về nền độc lập. Ảnh: Globe Post |
Theo nhà báo M. Dorsey, tranh chấp lãnh thổ, quyền lực và tài nguyên giữa người Hồi giáo Sunni, Shiite và người Kurd đã thúc đẩy sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq.
Châm ngòi thùng thuốc súng Trung Đông là việc người Kurd Iraq bỏ phiếu đòi độc lập, trong một cuộc trưng cầu dân ý đơn phương dự kiến tổ chức vào ngày 25/9/2017.
Nếu vấn đề đòi độc lập không cung cấp đầy đủ chất nổ, thì người Kurd Iraq lại bổ sung thêm chất gây cháy bằng việc trưng cầu dân ý ở thành phố Kirkuk và các khu vực lân cận.
Cuộc trưng cầu dân ý và tranh chấp Kirkuk lật lại vấn đề ranh giới của Khu tự trị Kurdistan trong lãnh thổ Iraq, ngay cả khi người Kurd lựa chọn không đòi độc lập và vẫn là một phần của Liên bang Iraq trong thời gian hiện tại.
Vấn đề lãnh thổ một lần nữa đe dọa Iraq trên cương vị một quốc gia thống nhất. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã lên án cuộc trưng cầu dân ý này.
Thủ tướng Haider al-Abadi đang thuyết phục quốc hội ở Baghdad sa thải Thị trưởng Kirkuk Najmaldin Karim vì ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý và bãi chức Tổng thống Iraq Fuad Masum và các bộ trưởng, quan chức cấp cao người Kurd trong chính quyền Iraq.
Trong diễn biến mới nhất, Tòa án Tối cao Iraq ra lệnh đình chỉ cuộc trưng cầu dân ý của người Kurf Iraq.
Các quan chức quân đội Iraq cũng như dân quân người Shiite cũng tuyên bố sẽ ngăn cản người Kurd trưng cầu dân ý tại Kirkuk.
Ayoub Faleh, hay còn gọi là Abu Azrael, Tư lệnh Sư đoàn Imam Ali, một đơn vị của dân quân người Shiite Iraq được Irna ủng hộ nói: "Kirkuk thuộc về Iraq. Chúng tôi sẽ không từ bỏ Kirkuk ngay cả khi điều này gây ra đổ máu lớn".
Một cuộc chiến có thể sẽ không chỉ xảy ra ở Kirkuk. Chính quyền của người Kurd và Quân đội Iraq đang tranh giành quyền kiểm soát các khu vực phía tây mà phiến quân IS đã bị đánh đuổi, dọc theo chiều dài của miền bắc Iraq.
Thủ tướng Al-Abadi cảnh báo rằng ông sẽ can thiệp quân sự nếu cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd mà ông gọi là vi hiến gây ra bạo loạn.
Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã chính thức phản đối cuộc trưng cầu dân ý này. Chỉ có Israel lên tiếng ủng hộ nền độc lập của người Kurd.
|
Sự phân bổ của người Kurd ở Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn Washington Institute for Near East Policy/Vietnam+) |
Lãnh đạo tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Al Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, tướng Qassem Soleimani đã khuyến cáo người Kurd từ bỏ ý định trưng cầu dân ý. Iran đã đe dọa sẽ đóng cửa biên giới với Khu tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim gọi cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd ở miền bắc Iraq là "vấn đề an ninh quốc gia" và tuyên bố Ankara “sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết trong vấn đề này”.
Ankara lo ngại việc người Kurd Iraq tuyên bố độc lập sẽ thúc đẩy các phần tử ly khai trong cộng đồng người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ vốn chiếm tới 20% dân số nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy an ninh quốc gia đang bị đe dọa vì người Kurd là một vấn đề rất lớn đối với Ankara. Và, dĩ nhiên, người Iran cũng cũng có lập trường tương tự.
Cuộc tìm kiếm một số hình thức tự trị của người Kurd cũng có thể xuất hiện ở Syria. Mỹ ủng hộ nhóm dân quân người Kurd Syria trong cuộc chiến chống IS. Người Kurd hy vọng chấm dứt chiến tranh ở Syria sẽ mang lại cho họ một khu tự trị theo kiểu Iraq sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ cực lực phản đối.
Người Kurd có thể châm ngòi một vòng biến động và bạo lực khác ở Trung Đông, nhưng họ không phải là lực lượng duy nhất. Các phe phái và bộ tộc khác cũng không có khả năng làm chao đảo Iraq và Syria, khi cuộc chiến chống IS đang bước vào hồi kết.
Minh Châu (Theo Japan Times)