|
Người ủng hộ vây quanh Giáo sĩ ôn hòa Hassan Rohani (góc phải) chúc mừng chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống hôm qua.
|
Đổi lại sự chờ đợi trong âu lo và thấp thỏm suốt đêm ngày 14/6 và gần như cả ngày hôm qua, cuối cùng cử tri Iran trong và ngoài nước cũng nhận được kết quả bầu cử mà họ kỳ vọng, Giáo sĩ ôn hòa Hassan Rohani đã chiến thắng vẻ vang với hơn 18 triệu phiếu bầu. Thời khắc chính phủ mới của tân Tổng thống Hassan Rohani được thành lập cũng sẽ chính là lúc Tổng thống cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad phải bước xuống khỏi vũ đài chính trị, chấm dứt 8 năm dài lãnh đạo Iran.
Việc ứng viên Rohani từng là một nhà đàm phán hạt nhân kỳ cựu có thể đánh bại được các đối thủ theo đường lối cứng rắn, gần như trung thành với hệ thống chính trị thần quyền và lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei trong cuộc bầu cử tổng thống Iran hôm 14/6 thực tế khiến không ít người bị sốc và bất ngờ.
|
Dân chúng Iran đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng của Giáo sĩ Hassan Rohani.
|
Thêm một bất ngờ nữa chính là, cuộc bầu cử tổng thống lần này dường như diễn ra tự do và công bằng sau các bê bối bầu cử năm 2009 khi ông Ahmadinejad tái tranh cử và giành chiến thắng để tiếp tục lãnh đạo Iran thêm 4 năm nữa.
Chiến thắng của ông Rohani được cho là sẽ giúp cải thiện niềm tin của người dân Iran cũng như tính hợp pháp của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo bị xói mòn nặng nề cách đây 4 năm theo sau các cuộc biểu tình quy mô diễn ra khắp đất nước vì bê bối gian lận bầu cử. Ngoài ra, đây cũng có thể là tín hiệu dự báo sự gia tăng mạnh mẽ địa vị chính trị của các nhóm chủ trương cải cách và ôn hòa ở Iran.
“Dù các nhóm chính trị gia bảo thủ vẫn kiểm soát các lĩnh vực quan trọng hệ thống chính trị Iran, cánh ôn hòa và chủ trương cải cách đã chứng minh được một điều rằng, bất chấp nghịch cảnh to lớn họ vẫn có khả năng chiếm ưu thế và giành chiến thắng vẻ vang nhờ sự ủng hộ của đông đảo cử tri dành cho họ”, Trita Parsi, Chủ tịch Hội người Mỹ gốc Iran bình luận.
|
Vẻ mặt rạng ngời và hân hoan của những người ủng hộ Giáo sĩ Hassan Rohani sau khi kết quả bầu cử tổng thống được công bố.
|
Sau khi kết quả bầu cử được công bố, khắp các đường phố của thủ đô Tehran, người dân nô nức đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của ông Rohani. Một bầu không khí lễ hội bao trùm khắp thủ đô.
Tuy nhiên, sau chiến thắng, tân Tổng thống Iran Rohani sẽ phải đối mặt với thách thức khổng lồ để vực Iran đứng dậy, vững vàng và ổn định trở lại đồng thời hàn gắn mối quan hệ xuống cấp trầm trọng giữa Iran và phương Tây trong suốt nhiều năm qua.
Iran đã gánh nhiều thiệt hại nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo. Một trong những hệ quả nghiêm trọng chính là tình trạng lạm phát và thất nghiệp tăng cao ngất ngưởng.
|
Người ủng hộ kỳ vọng tân Tổng thống theo đường lối ôn hòa sẽ mang lại sự đổi thay cho đất nước.
|
Dù Giáo sĩ 64 tuổi đã cam kết xây dựng và thực hiện “hiến chương về quyền công dân” đồng thời thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số song rõ ràng vấn đề cử tri Iran bận tâm nhất vẫn là cải thiện nền kinh tế bị sa sút và hủy hoại nghiêm trọng.
“Sự thất bại của các ứng viên bảo thủ là hoàn toàn hợp lý. Các ứng
viên bảo thủ phải nhận ra thực tế rằng, một người bất tài không thể mong
đợi được sự ủng hộ của phần lớn công chúng”, một bài xã luận trên trang
mạng
Tabnak của Iran viết.
Đồng tình, Giáo sư Farideh
Farhi thuộc Đại học Hawaii nhấn mạnh: “Người Iran lo lắng cho tương lai
của họ. Tôi cho rằng, người dân có suy nghĩ, viễn cảnh một tổng
thống bảo thủ tiếp tục lãnh đạo đất nước kèm theo môi trường an ninh nội
địa khắc nghiệt sẽ dẫn đến khủng hoảng và bất ổn trong nước”.
|
Biểu tình rầm rộ ở thủ đô Tehran sau bê bối gian lận bầu cử năm 2009 ở Iran.
|
Ngoài ra, cương quyết duy trì quyền tiếp cận với nguồn năng lượng điện hạt nhân, song vẫn nhiều lần khẳng định chắc nịch không phát triển vũ khí hạt nhân, nhiều người tin rằng, đứng trước các khó khăn và thách thức đang phá hoại đất nước, Giáo sĩ 64 tuổi Rohani chắc chắn sẽ tích cực xúc tiến các cuộc đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, kết quả thế nào thì vẫn còn phụ thuộc nhiều vào quyết định của lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
“Ông Rohani sẽ chọn lực lượng nòng cốt trong Chính phủ tại Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia tối cao. Điều này chắc chắn có mục đích. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Lãnh tụ tối cao Khamenei... Và đương nhiên, ông Rohani sẽ phải nghe theo sự sắp đặt của lãnh tụ Khamenei”, thành viên bảo thủ của Quốc hội Iran, Ahmad Tavakoli nhấn mạnh.
Theo giới phân tích, dù vậy, người Iran phải kiên nhẫn chờ đợi sự đổi thay bởi cơ cấu quyền lực nhiều tầng phức tạp của nước này đã bị xói mòn nghiêm trọng trong suốt 2 thập kỷ qua.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Bạch Dương (Theo Reuters)