Ukraine đang mất dần miền đông
Tại một chốt kiểm soát bên ngoài thị trấn Karlivka, sĩ quan biên phòng người Ukraine ngồi sau chiếc xe thùng và kiểm tra hộ chiếu của một người nước ngoài bằng máy tính.
Anh sĩ quan đó cho biết: “Đây là biên giới hành chính. Cả 2 phía đều là Ukraine, nhưng người ở bên kia họ không muốn là một phần của Ukraine”, vừa nói anh vừa chỉ tay về phần phía đông của đất nước, nơi thuộc quyền kiểm soát của phe ly khai.
Ngay cả khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tăng cường quyền lực của mình ở Kiev sau cuộc bầu cử Quốc hội, ông vẫn không thể kiểm soát được những vùng đất ở phía đông đất nước. Các lực lượng ly khai ở đây tẩy chay việc bầu cử trên toàn quốc và lên kế hoạch cho một cuộc bầu cử của riêng họ, dự kiến sẽ tiến hành vào 2/11.
Sự chia cắt hiện nay cho thấy một sự thật rằng kể từ khi 2 bên kí thỏa thuận ngừng bắn hồi đầu tháng 9, Kiev đã từ bỏ những nỗ lực kiểm soát vùng lãnh thổ bị phiến quân kiểm soát, giúp Nga có được một đòn bẩy lớn để gây ảnh hưởng lên Ukraine.
Thỏa thuận ngừng bắn được kí kết bởi đại diện của phía Ukraine, Nga, châu Âu và lực lượng ly khai mới đầu được cho là một cơ hội mới cho Kiev để thống nhất đất nước, trao cho họ nhiều quyền lực hơn với quyền kiểm soát biên giới Ukraine – Nga. Nhưng vị thế của Moscow đang được củng cố trong vài tuần trở lại đây trong khi các quan chức nước này vẫn khẳng định rằng họ gần như không có bất kì tiếng nói nào với nhóm ly khai.
|
Đoàn xe chở hàng cứu trợ gây nhiều tranh cãi của Nga |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trả lời phỏng vấn cho biết Moscow thấy cuộc bầu cử ở Ukraine là cơ hội cho chính quyền của ly khai củng cố tính hợp pháp của họ. Trong khi các quan chức Ukraine cho rằng những cuộc bầu cử ở miền đông là bất hợp pháp và một đất nước phải có tính thống nhất. Nhưng sau chuyến thăm của ông Poroshenko đến miền đông cho thấy Kiev đang chuẩn bị cho một diễn biến khác.
Đụng độ vẫn đang kéo dài giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai tại sân bay ở rìa phía tây thành phố thủ phủ của miền đông là Donetsk. Một vài quan chức Kiev cho biết họ có thể sẽ phải từ bỏ sân bay này, thay vào đó là tập trung cho những vùng đất bị chiếm khác. Lực lượng ly khai cũng đã có một động thái mang tính biểu tượng trong việc tách ra khỏi Ukraine khi yêu cầu người dân trong vùng kiểm soát của họ không chỉnh đồng hồ theo giờ Ukraine mà là theo giờ Moscow.
Trong lúc đó, tình hình chia cắt càng trở nên rõ rệt. Chốt kiểm soát tại Selydove nằm trên đường cao tốc cách Donetsk 15 dặm về phía tây, nhiệm vụ chính của nó là chặn xe cộ, kiểm tra thùng hàng và hộ chiếu. Phát ngôn viên của Lực lượng Biên phòng Quốc gia Ukraine Oleh Slobodyan, cho biết ở đây không hề có biên giới hành chính, mà thay vào đó là “đường an ninh tạm thời”. Nhiệm vụ của nó là thành lập một vùng trung lập tạm thời và ngăn chặn quân ly khai tiến vào vùng lãnh thổ do chính phủ kiểm soát.
Người dân miền đông chán ghét cả 2 bên
Người dân sống tại khu vực giữa Ukraine và nhà nước tự xưng Cộng hòa Nhân dân Donetsk cho biết họ đang cảm thấy bị cô lập. Bà Liliya Belaya sống tại làng Karlivka, nói: “Chúng tôi đang bị cô lập. Không có xe buýt. Chính quyền không ngó ngàng tới nơi này. Với người khác chúng tôi chẳng là gì”.
Mối liên hệ duy nhất của bà với chính quyền Ukraine là người đưa thư hàng tháng đưa cho bà khoản lương hưu chỉ vỏn vẹn hơn 100 USD, và anh lính tại một chốt kiểm soát khác gần nhà bà. Khi gặp sự cố mất điện, bà cũng chỉ biết trông chờ vào những người lính.
|
Bản đồ cho thấy vùng kiểm soát của quân ly khai miền đông Ukraine (tô đậm). |
Thị trấn Karlivka nằm bên một hồ thủy điện lớn, là nơi diễn ra cuộc đụng độ hồi tháng 5 giữa những tay súng ly khai phục kích một nhóm lính tình nguyện thân Kiev, hậu quả là một vài người thiệt mạng cùng vài tòa nhà bị hư hỏng. Đụng độ lại tiếp tục nổ ra vào mùa hè khi quân đội chính phủ tập trung tấn công vào Donetsk.
Bà Belaya, cựu nhân viên bảo hộ an toàn mỏ, nhớ lại cảnh những tay súng ly khai lấy sân sau nhà con trai bà và khu hầm gần đó làm nơi tránh đạn. Bà Belaya rất phẫn nộ với quân đội chính phủ khi đã phá hủy nhà của con trai bà cũng như một vài người khác, bà nói: “Đạn pháo của họ nhắm vào nhà cửa chứ không phải quân ly khai”.
Chỉ còn lại vài chục người vẫn tiếp tục ở lại thị trấn, nơi trước kia có dân số là 400 người. Nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng, hàng rào thì đầy những vết đạn.
|
Một người lính Ukraine kiểm tra xe cộ đi qua thị trấn Karlivka. |
Một người đã về hưu còn nói bà đã chịu đựng quá đủ những cuộc đụng độ khi chúng phá tan cửa sổ và cửa ra vào của nhà bà này: “Tôi không quan tâm ai là người chịu trách nhiệm ở đây, tôi chỉ muốn được yên thân”. Bà còn nói bà không thể chi trả cho một cánh cửa mới và lo ngại "sẽ phải rơi vào cảnh đói kém”. Bà và chồng bà, một người tật nguyền không chịu rời bỏ căn nhà, sống chủ yếu dựa vào củ cải đường và khoai tây trồng sau vườn nhà.
Khi quân ly khai nắm quyền kiểm soát Donetsk, bà Belaya nói cháu gái bà đã mất khoản trợ cấp để đi học trường y ở đó và đang phải cố gắng vào được một ngôi trường tại một thành phố xa hơn về phía tây. Hai con trai của bà cũng rời đi, người con gái nữa thì đang sống cùng con cái với bà Belaya, trông cậy vào số lương hưu ít ỏi của bà. Họ đang sống trong căn nhà của con trai cả của bà, người vừa tị nạn sang Crimea trong bối cảnh cuộc chiến đang hồi khốc liệt nhất. Bà nói: “Nó (con trai cả) dành 20 năm để xây căn nhà này, nó cũng vừa mới lát đường xe chạy mới. Giờ thì nó thành kẻ ăn xin”.
Thế nhưng, bà Belaya vẫn không có ý định rời khỏi thị trấn nơi bà đã sống cả cuộc đời. Bà thổn thức: “Trái tim tôi dành cho từng viên đá trên mảnh đất này… Chúng ta vẫn sống sót, nhưng chẳng rõ vì điều gì. Cha mẹ và chồng của tôi được chôn cất tại đây, và tôi cũng sẽ như thế”. Bà cũng nói rằng mình không thể hiểu nổi cuộc xung đột này. Là một người thuộc dân tộc Nga, bà thấy mình đa sống hạnh phúc bên cạnh những người Ukraine mà không có bất kỳ căng thẳng nào. Bà thở dài khi nói về những người dân ở Karlivka này: “ Những chính trị gia đã bắt đầu tất cả mọi chuyện. Đối với chúng tôi, chúng tôi đều là người Karlovtsy. Giờ thì không ai sẽ còn nhớ đến chúng tôi nữa”.
Phong Đức