|
Hai chiến hạm Nhật thả neo bên bờ sông Neva |
Đây là chuyến thăm đầu tiên của các chiến hạm hải quân Nhật Bản trong lịch sử quan hệ Nga – Nhật tới St Petersburg. Trước đó năm 2005, tàu huấn luyện của Hải quân Nhật Bản tàu "Kasim" đã đóng vai trò sứ giả hình thành mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản - đại diện báo chí của quân khu phía Tây thông báo cho tờ Fontanka.
Những cái tên thơ mộng của các chiến hạm Nhật Bản gắn liền với truyền thống lâu đời của dân tộc Nhật Bản đặt cho những chiếc tàu chiến những cái tên mang hình ảnh lãng mạn và những tính ngữ đầy màu sắc trong kho tàng ngôn ngữ phong phú ngàn năm của thơ ca Nhật Bản.
Trong các tên gọi của tàu Nhật Bản hoàn toàn là những hiện tượng tự nhiên, núi non, cảnh sắc, chim và rồng, mang âm hưởng của những gam mầu ấn tượng đến kinh ngạc, thể hiện được sự sâu sắc của triết học cổ phương Đông. Chiếc tàu khu trục đầu tiên đang thả neo trên sông Neva, được mang tên là "Hatsuyuki" dịch theo tiếng Nga có thể được gọi là “Tuyết đầu mùa”, từ “Tuyết” được sử dụng để đặt tên cho tất cả 12 chiếc chiến hạm đóng theo dự án này.
Chuyến viếng thăm 5 ngày không chính thức của Hải quân Nhật tại St.Peterburg được thực hiện theo lời mời của Bộ tư lệnh Hải quân Liên bang Nga. Các sĩ quan và thủy thủ Nhật đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm trong nghĩa trang Piskarevskoe, tham quan tuần dương hạm "Aurora", bảo tàng lịch sử và cũng là cựu chiến binh của cuộc chiến năm xưa ở Tsushima, thăm các danh lam thắng cảnh và địa điểm có ý nghĩa văn hóa lịch sử ở St.Petersburg.
|
Cờ của Hải quân Nhật lần đầu tiên xuất hiện ở St Petersburg.
|
Chủ nhà hiếu khách là nhiệm vụ của thủy thủ đoàn của hộ tống hạm tên lửa mới được đưa vào biên chế "Soobrazitelnyy" thuộc Hạm đội Baltic. Các thành viên của tàu "Soobrazitelnyy" đóng vai trò hướng dẫn viên du lịch cho các đồng nghiệp Nhật trong suốt thời gian ở Nga, giới thiệu với các thủy thủ Nhật truyền thống lịch sử của Hải quân Nga.
Các sĩ quan hải quân Nhật Bản cũng đến thăm Học viện quân sự Hải quân mang tên đô đốc Kyrnhetxov. Tại đây, các cán bộ - giảng viên thuộc học viện đã giới thiệu với các sĩ quan Hải quân Nhật về cơ cấu tổ chức, quy trình đào tạo các sĩ quan hải quân Nga. Trong thời gian các khu trục hạm Nhật viếng thăm ở St. Peterburg, các thủy thủ Nhật và Nga còn đá bóng giao hữu và tổ chức một buổi “trao đổi phòng ăn” theo truyền thống, chính xác hơn là một bữa ăn đối ngoại. Các quân nhân Nhật được dịp tìm hiểu về những đặc thù đời sống quân ngũ và đời sống hậu cần của hải quân Nga. Sau đó thủy thủ đoàn của "Soobrazitelnyy" đã làm khách trên một chiến hạm của Hải quân Nhật.
Người dân St.Petersburg còn được tự do tham quan tàu chiến Nhật Bản trong một tua du lịch từ 14 đến 17 giờ. Các tàu khu trục Nhật DD-127 "Isoyuki" và DD-123 "Shirayuki" đã hoàn thành chuyến thăm không chính thức tại St Petersburg vào ngày 4/8/2013.
Cựu thù bắt tay nhau
Trên thực tế, đây là một chuyến viếng thăm hoàn toàn không chính thức, không có những thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đáng nói, đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của hai lực lượng đã là cựu thù của nhau trong hơn 1 thế kỷ tính từ năm 1905, và trong suốt một thời gian rất dài vẫn luôn coi nhau như đối tượng tác chiến.
|
Thủy thủ đoàn hài lòng với sự hiếu khách của nước chủ nhà.
|
Hai khu trục hạm Nhật Bản đến St. Peterburg như một dấu hiệu đầu tiên về kết quả của những thảo luận về mối quan hệ tương lai Nhật – Nga trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nhật Abe và Tổng thống Nga Putin. Chính giới Nhật Bản đã ngả dần theo xu hướng vì lợi ích kinh tế của khu vực Viễn Đông và sự phát triển của quần đảo Kuril. Nhật cũng nhận thức sâu sắc được mối quan hệ mong manh giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc trong một góc độ nào đó vẫn hằn sâu những dấu ấn lịch sử, đồng thời chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những đòi hỏi chủ quyền từ phía Trung Quốc.
Sự khởi đầu của bước đi đối ngoại quân sự Nhật Bản cho thấy Nhật không còn coi Nga như một kẻ thủ tiềm năng. Với Nga các dấu ấn lịch sử không nặng nề, và khi đầu tư xây dựng Viễn Đông cũng như phát triển kinh tế quần đảo Kuril, người Nhật có được lợi ích về kinh tế rất ổn định. Vị thế của Nhật cũng vững vàng cả về chiến lược phòng thủ và an ninh kinh tế. Nền công nghiệp điện tử hiện đại của Nhật cũng như nền công nghiệp cơ bản của Nga và dự trữ tài nguyên khoáng sản vùng Viến Đông và Biển Bắc đảm bảo cho mối quan hệ này bền chắc và an toàn. Người Nhật cũng có thể yên tâm thở nhẹ hơn dưới cái ô bảo trợ của Mỹ.
Nếu hai quốc gia bắt tay nhau khăng khít hơn, Nga sẽ có được một nguồn đầu tư rất mạnh về khoa học công nghệ từ Nhật Bản, đồng thời có thể sử dụng thế mạnh của mình về công nghiệp nặng và tài nguyên khoáng sản để phát triển vùng Viễn Đông, tăng cường khả năng thương mại với các nước thuộc khối SNG thuộc Trung Á. Quan trọng hơn cả, Nga không lo ngại sức mạnh quân sự của liên minh Mỹ - Nhật ngay bên cạnh sườn Vladivostoc. Cuộc tập trận quy mô lớn với 160.000 quân mới đây của Nga đã có một kết quả chiến lược rõ rệt.
Có thể nói mối quan hệ hợp tác Nga – Nhật đang từng bước hình thành rõ nét, có sự thúc đẩy cấp nhà nước trong nguyên tắc “lợi ích thực tế” và “đưa lịch sử ra khỏi vấn đề tranh chấp”. Với thế mạnh của cả hai bên, một cầu nối kinh tế qua Biển Vàng đã được dự kiến và trung tâm kinh tế vùng Trung Á đã được hình thành. Có được sự bảo đảm an toàn từ phía Nga, Nhật từ nay có thể tập trung mũi nhọn phát triển lực lượng phòng vệ của mình về hướng biển Hoa Đông, Biển Đông nhằm bảo vệ những lợi ích của mình. Tất cả đang mở ra một chương mới đầy hứa hẹn trong quan hệ Nga-Nhật.
Theo Báo Tiền Phong