Chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất bí ẩn hôm 8/3 với 239 hành khách và cho đến nay, chưa hề tìm được bất cứ dấu vết nào về tung tích của nó. Trong khi vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với
chiếc máy bay, khả năng khủng bố tấn công và kiểm soát chiếc Boeing 777-200 là một trong những suy đoán được đưa ra và nhiều quan tuyên bố không loại trừ khả năng này.
Trong một cuộc phỏng vấn với
Đài Tiếng nói nước Nga, nhà báo Francesco Sisci cho biết, nhóm chiến binh Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sống tập trung ở vùng Tân Cương xa xôi bất ổn của
Trung Quốc là đối tượng bị nghi ngờ đầu tiên trong vụ máy bay Malaysia mất tích nếu thực sự chiếc máy bay này bị tấn công khủng bố. Người Duy Ngô Nhĩ hiện nay chiếm 45 % dân số ở Tân Cương.
Chỉ cách đây hơn 1 tuần, một nhóm khủng bố người Duy Ngô Nhĩ đã thực hiện vụ tấn công dao tại thành phố Côn Minh, giết chết 33 người và làm 143 người khác bị thương.
|
Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.
|
Đồng quan điểm với ông Francesco Sisci nhiều chuyên gia nghi ngờ, có sự liên quan giữa hai sự kiện – vụ tấn công bằng dao và vụ máy bay mất tích đều do những kẻ khủng bố Duy Ngô Nhĩ “đạo diễn” dù không có nhiều đầu mối để chứng minh giả thuyết này.
Giả thuyết người Duy Ngô Nhĩ đứng sau vụ máy bay Malaysia mất tích nổi lên mạnh mẽ sau khi có tin ít nhất 2 hành khách Trung Quốc trên chuyến bay MH370 là người Ngô Duy Nhĩ. Điều này trùng với thông tin có ít nhất 2 người sử dụng hộ chiếu ăn cắp để lên máy bay Malaysia. Tuy nhiên, chưa rõ đó có phải là hai người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương nói trên hay không.
|
Máy bay của Hãng hàng không Malaysia.
|
Trong khi đó, theo thông tin mới nhất về vụ máy bay Malaysia mất tích, hôm nay ngày 10/3 Bộ Nội vụ Malaysia cho biết, hai hành khách sử dụng hộ chiếu ăn cắp để lên chiếc máy bay bị mất tích đều có nhận dạng khuôn mặt "mang đặc trưng châu Á.”
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia, Zahid Hamidi cho biết: “Tôi đang chất vấn các nhân viên di trú là tại sao họ không đặt câu hỏi rằng hai hành khách mang hộ chiếu Italy và Áo lại có khuôn mặt của người châu Á”.
Cho đến nay, chưa có nhóm khủng bố nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì lạ lẫm. Trong vụ tấn công khủng bố bằng dao ở Côn Minh, cũng không có nhóm khủng bố nào nhận trách nhiệm.
Báo chí Trung Quốc đưa tin, người thân của các hành khách trên chiếc máy bay Malyasia đang được “chăm sóc” tại một khách sạn bí mật. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận ra rằng, động thái này phản ánh việc chính quyền Trung Quốc đang cố gắng “điều tra” thân nhân của tất cả các hành khách trên chuyến bay MH370.
Không chỉ giới chức Trung Quốc, bản thân các nhà chức trách Malaysia cũng nghi ngờ về sự tham gia của người Duy Ngô Nhĩ trong vụ máy bay Boeing 777 biến mất bí ẩn. Các quan chức Malaysia nhấn mạnh, một nhóm người Duy Ngô Nhĩ bị trục xuất khỏi Malaysia về Trung Quốc trong năm 2011 và 2012 vì sử dụng hộ chiếu giả.
"Không loại trừ khả năng này (người Duy Ngô Nhĩ dính líu đến vụ máy bay Malaysia mất tích). Chúng tôi từng trục xuất người Duy Ngô Nhĩ vì sử dụng hộ chiếu giả trước đây. Dù vậy vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận”, một quan chức Malaysia giấu tên cho biết.
Năm 2011, Malaysia trục xuất một nhóm 11 người Duy Ngô Nhĩ vì tội buôn người. Một năm sau, họ tiếp tục trục xuất nhóm 6 người Duy Ngô Nhĩ vì tội sử dụng hộ chiếu giả.
Một nguồn tin dẫn lời giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết, dù chưa có bằng chứng xác nhận về sự liên quan của các chiến binh Duy Ngô Nhĩ song nhận định, vụ máy bay Malaysia mất tích xảy ra trong một thời điểm rất đáng ngờ ngay sau vụ tấn công khủng bố bằng dao ở Côn Minh.
Bạch Dương (tổng hợp)