Lần đầu tiên kể từ cuộc đổ quân vào Afghanistan năm 1979, Nga đã tiến hành một chiến dịch quân sự lớn bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông.
|
Tổng thống Obama và Tổng thống Putin: Hợp tác chống IS hay tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông.
|
Ngày 30/9, máy bay chiến đấu
Nga đánh phá các mục tiêu ở Syria gần thành phố Homs. Moscow đã tăng cường hiện diện quân sự ở Syria trong nhiều tuần qua, với việc triể khai nhiều máy bay chiến đấu, xe tăng và lính thủy đánh bộ ở căn cứ không quân gần thành phố Latakia.
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngày 28/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế rộng rãi hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Điện Kremlin tuyên bố các cuộc không kích ngày 30/9 là nhằm vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, phiến quân IS "có lẽ" không hiện diện ở khu vực phía bắc thành phố Homs.
Về các cuộc không kích của Nga, nhà phân tích Jeffrey Mankoff, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) nói với DW: "Đây không phải là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, mà là để giúp củng cố các lực lượng chính phủ Syria”.
Mục tiêu của Nga ở Trung Đông
Theo nhà phân tích Stephen Blank - một chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga tại Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ, Moscow rất quan tâm đến việc thiết lập một chỗ đứng vững mạnh ở Trung Đông. Mặc dù đã thuê một căn cứ hải quân ở thành phố cảng Tartus kể từ thời Liên Xô, sự tích tụ quân sự gần đây của Nga ở Syria có thể dẫn đến một sự hiện diện thường trực mở rộng trong khu vực. Ông Stephen Blank nhận định: "Họ (Nga) có ý định thiết lập căn cứ lâu dài ở Syria. Họ không chỉ cứu Tổng thống Assad. Họ đang tìm cách ở lại (Syria) càng lâu càng tốt”.
Nhà phân tích Mankoff cho rằng Nga đang cố gắng thách thức sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông. Ông nói: "Trước cuộc can thiệp này, Nga vẫn có ảnh hưởng ở Syria, nhưng đã mất ảnh hưởng ở nhiều nước khác với sự sụp đổ của (Tổng thống Iraq) Saddam Hussein và (nhà lãnh đạo Libya) Gadhafi. Đây là bước quan trọng nhất trong khi Nga đang cố gắng tự thể hiện một nhà môi giới quan trọng ở Trung Đông. Moscow cố thách thức quan điểm cho rằng Mỹ là lực lượng bên ngoài quan trọng nhất và là lực lượng định hình sự cân bằng trong khu vực”.
Hình thành liên minh riêng ở trong khu vực
Theo nhà phân tích Stephen Blank, Nga đang hình thành liên minh riêng ở Trung Đông, với sự tham dự của các chính phủ Syria, Iran và Iraq. Ngày 30/9, chính phủ Iraq thừa nhận đã chia sẻ thông tin tình báo với Kremlin, nhưng từ chối phối hợp với Nga trong các hoạt động quân sự. Ông Blank nói: "Các bên cũng muốn tạo liên minh của người Shiite chống ISIS (Nhà nước Hồi giáo IS). Vì vậy mà tất cả các nhà nước do người Shiite chi phối chiến đấu chống ISIS để duy trì quyền lực cho (Tổng thống Syria) Bashar Assad và vì lợi ích của Iran”.
Theo nhà phân tích Stephen Blank, Nga “cần phải chứng tỏ rằng là một thành viên liên minh đáng tin cậy” và do đó tiến hành “các cuộc không kích".
Trong mấy năm qua, Mỹ đã dẫn đầu một liên minh chủ yếu bao gồm các quốc gia do người Hồi giáo Sunni lãnh đạo (Jordan, Ả-rập Xê-út và UAE) chống lại Nhà nước Hồi giáo. Washington và Moscow đã tiến hành các cuộc thảo luận để tránh bất kỳ sự đụng độ quân sự nào ở Syria.
Theo nhà phân tích Mankoff, một số máy bay chiến đấu của Nga đóng tại Latakia không phải là loại dùng cho tấn công các mục tiêu mặt đất, mà thiên về không chiến. Ông cho rằng dường như những máy bay chuyên về không chiến này có vai trò “ngăn chặn Mỹ hoặc nước khác thiết lập một vùng cấm bay hoặc tấn công các lực lượng của Assad”.
Minh Châu (Theo DW)