Gần như chắc chắn, Nga sẽ trả đũa vụ Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk, nhưng không trực tiếp chống các lực lượng Mỹ. Thay vào đó, Nga trút cơn thịnh nộ lên đầu các nhóm phiến quân Syria được Mỹ hậu thuẫn.
|
Tên lửa hành trình Nga được phóng từ tàu chiến ở Biển Caspia vượt ngàn cây số tấn công các mục tiêu ở Syria. Ảnh: Alalam News Network |
Chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, giáo sư Vasily Kashin của Trường Kinh tế HSBC cho biết."Theo tôi, phản ứng có thể là: cắt đứt liên lạc và hợp tác với Mỹ ở Syria. Cụ thể, Nga sẽ nhắm mục tiêu và tiêu diệt các nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn; đưa thêm lực lượng đến Syria và có thể bắt đầu một số cuộc tập trận quy mô lớn trên phần lãnh thổ châu Âu của Liên bang Nga”.
Giáo sư Vasily Kashin nói thêm: "Điều này có thể sẽ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với Syria và gây thiệt hại cho các nhân viên tình báo. Về cơ bản, Nga sẽ phản ứng giống như sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ (bắn rơi Su-22 của Nga). Không có cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các nhóm ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, các hoạt động đặc biệt và cơ sở tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị tấn công và chịu tổn thất rất lớn”.
Nếu Mỹ tiến hành chiến dịch lật đổ chế độ Assad, Nga có thể sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, trong trường hợp Mỹ tấn công trực tiếp các lực lượng Nga ở Syria, Moscow có thể giáng trả bằng biện pháp quân sự.
Giáo sư Kashin nói tiếp: "Trong trường hợp này, sẽ xảy ra chiến tranh và sẽ có những cuộc tấn công tên lửa hành trình chống lại các lực lượng Mỹ ở Trung Đông. Sau đó nó sẽ leo thang thành một cuộc chiến toàn diện”.
Một quan chức cao cấp của Không quân Mỹ đồng ý với đánh giá của giáo sư Kashin rằng việc Mỹ tấn công các hệ thống phòng không của Nga như S-400 và S-300V4 ở sẽ dẫn tới chiến tranh. Quan chức này nói với tạp chí The National Interest rằng nếu Mỹ tiêu diệt hoặc triệt hạ các tài sản do nhân viên Nga điều khiển ở Syria, điều đó đương nhiên sẽ dẫn đến chiến tranh trực tiếp giữa Mỹ và Nga".
Trong khi đó, các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Điện Kremlin- ở cả Mỹ lẫn ở Nga – cho rằng mọi hy vọng về sự liên kết lại giữa chính quyền Trump và Moscow đang bị lu mờ, sau khi Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa hành trình rạng sáng ngày 7/4/2017.
Olga Oliker, giám đốc chương trình Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với The National Interest: "Tôi nghĩ rằng người Nga coi điều này (tấn công tên lửa ở Syria) là một đòn thực sự giáng vào hy vọng nối lại quan hệ (giữa Mỹ và Nga)”. Do đó, nếu Mỹ chọn leo thang xung đột tại Syria - đặc biệt là hướng tới mục tiêu thay đổi chế độ, điều này có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.
Minh Châu (Theo The National Interest)