Đó là ý kiến của các chuyên gia Nga làm việc tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông.
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh IBTimes |
Theo nhà phân tích Valeriy Kistanov - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga), vấn đề chính trong chương trình nghị sự của chuyến thăm là hợp tác kinh tế Nga-Nhật vốn không tương xứng với tiềm năng của cả hai nước.
Hiện thời, Nga chiếm chỉ chiếm có 1,4% kim ngạch ngoại thương của Nhật Bản, còn Nhật Bản cũng chỉ chiếm có 4,6% kim ngạch ngoại thương của Liên bang Nga. Theo nhà phân tích Kistanov, những con số trên cho thấy mức độ rất thấp của thương mại và hợp tác kinh tế Nga-Nhật.
Ông Kistanov nói với đài Sputnik: "Không phải là các công ty Nhật Bản không muốn làm việc tại Nga. Lý do thực sự là các công ty Nhật Bản không biết nhiều về các cơ hội kinh doanh. Một lý do khác là môi trường đầu tư thiếu thân thiện ở Nga". Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ hy vọng rằng một loạt văn kiện mà Moscow và Tokyo dự kiến sẽ ký kết trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Putin sẽ kiềm chế xu hướng tiêu cực trong thương mại và quan hệ kinh tế song phương.
Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn hợp tác với Nga đã khiến cho Mỹ cảm thấy không hài lòng. Washington vốn cho rằng cách tiếp cận này là vi phạm sự thống nhất trong G7 về cách đối xử với Nga.
Hơn nữa, nhiều người ở Nhật Bản cũng tỏ ý hoài nghi về ý định của Thủ tướng Abe phát triển hợp tác kinh tế với Nga. Những người chỉ trích lo sợ rằng sự hỗ trợ kinh tế của Nhật Bản cho Nga sẽ không dẫn đến bất kỳ lợi ích lãnh thổ nào. Tuy nhiên, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Viễn Đông lưu ý rằng sự quan tâm đến Nga của Thủ tướng Abe rộng lớn hơn nhiều với yêu sách lãnh thổ và gián tiếp liên quan đến Trung Quốc, đối thủ chiến lược của Nhật Bản trong khu vực.
Nhiều người ở Nhật Bản hiểu được thực tế rằng có sự hợp tác chiến lược Nga-Trung, nhưng họ cũng thấy những rủi ro có thể có của sự hợp tác này không chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với nước Nga.
Nhà phân tích Sergei Luzyanin, giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, nói rằng chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Putin sẽ góp phần xua tan những lo ngại của Tokyo rằng Moscow đang tiến hành một chính sách ủng hộ Trung Quốc trong khu vực. Ông nói thêm: "Chuyến thăm là nhằm để chứng minh rằng chính sách đối ngoại của Nga là linh hoạt và độc lập. Thậm chí nếu không thể giải quyết được vấn đề lãnh thổ, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Putin sẽ cải thiện quan hệ song phương".
Tranh chấp Nga-Nhật về quần đảo Nam Kuril vẫn chưa được giải quyết kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Nhật Bản và Nga chưa bao giờ ký một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn sau Thế chiến II do sự bất đồng về bốn hòn đảo mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Các vùng lãnh thổ phương Bắc.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với đài truyền hình Nippon TV, Tổng thống Putin nói rằng Nga không có vấn đề lãnh thổ với Nhật Bản, nhưng nếu Tokyo tin rằng vấn đề này tồn tại, thì Moscow sẵn sàng thảo luận.
Theo nhà phân tích Kistanov, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hai ngày 15-16/12/2016 sẽ không giải quyết được vấn đề Nam Kuril. Ông Kistanov nói:
"Việc ông Abe muốn kết thúc tranh chấp là điều bình thường và ông Putin cũng muốn như vậy. Tuy nhiên, hai bên có quan điểm khác nhau về cách thức thực hiện. Nhật Bản muốn một hiệp ước hòa bình để giải quyết vấn đề lãnh thổ. Nga sẽ không chuyển giao tất cả bốn đảo có tranh chấp cho Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản lại không thể từ bỏ chúng. Vì vậy, hai bên cần bàn bạc một sự thỏa hiệp”.
Về các kịch bản giả định trao trả hai hòn đảo nhỏ trong quần đảo Nam Kuril cho Nhật Bản theo Tuyên bố năm 1956, ông Kistanov nhận định: "Về lý thuyết, điều này là có thể. Nhưng trong thực tế, nó không thể xảy ra". Tuy nhiên, theo ông, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe sẽ thảo luận về vấn đề này.
Nhà phân tích Valeriy Kistanov kết luận: "Vấn đề là thỏa hiệp như thế nào. Nga và Nhật Bản sẽ cố gắng đến với một kịch bản sẽ giữ thể diện cho cả đôi bên. Nếu Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe vạch ra được một lộ trình về vấn đề này, đây sẽ là một bước đi rất tích cực".
Minh Châu (Theo Sputnik News)