|
Hoạt động kiểm soát và bảo vệ vũ khí hóa học Syria có thể liên quan đến các lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia.
|
Cựu thanh tra vũ khí LHQ Raymond Zilinskas nói với RIA Novosti: “Bộ binh là cần thiết để thực hiện sứ mạng này. Câu hỏi đặt ra là số binh sĩ cần thiết đó đến từ nước nào?”
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp nhau hôm 12/9 tại Geneva để thảo luận 2 ngày về kế hoạch của Nga “đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế”.
Trong bài phát biểu hôm 10/9, Tổng thống Obama khẳng định với dân chúng rằng quân đội Mỹ sẽ không được gửi đến Syria và hôm sau, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết chính quyền Obama không có kế hoạch đưa bộ binh vào Syria “để xử lý các kho vũ khí hóa học”.
Phát ngôn viên Carney cho biết: “Quá trình xác định, xác minh, bảo vệ và loại bỏ vũ khí hóa học của chế độ Assad rõ ràng là một trong những vấn đề phức tạp sẽ được thảo luận tại Geneva”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, hoạt động như vậy giữa lúc có xung đột vũ trang là chưa từng có trong lịch sử vũ khí hóa học kéo dài cả thế kỷ. Điều này có nghĩa đòi hỏi các nguồn tài lực và nhân lực cần thiết để ngăn chặn các hợp chất chết người không bị đánh cắp hoặc phát tán trong cuộc nội chiến Syria đã kéo dài hơn 2 năm qua.
Nếu đạt được thỏa thuận dựa trên kế hoạch của Nga, hoạt động kiểm soát và bảo vệ vũ khí hóa học Syria có thể liên quan đến các lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia - bao gồm lực lượng của Liên đoàn Arập hoặc thậm chí, cả lực lượng của Tổng thống Assad.
Ông Jean Pascal Zanders, một chuyên gia kiểm soát vũ khí của Vương quốc Bỉ, cho biết trước khi xác định qui mô và vị trí của các kho vũ khí hóa học Syria, người ta có có thể dự đoán chính xác số lượng các nhân viên an ninh và nhân viên kỹ thuật cần thiết để đặt các loại vũ khí nói trên dưới sự kiểm soát quốc tế và thủ tiêu chúng. Ông Zanders nói với RIA Novosti: “Số lượng binh sĩ sẽ phụ thuộc vào việc có bao nhiêu kho vũ khí hóa học và liệu chúng có bị phân tán khắp đất nước hay không”.
|
Theo The New York Times, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính cần đến 75.000 binh sĩ để canh gác các kho vũ khí hóa học của Syria. |
Chuyên gia Zanders cho rằng, lý tưởng nhất sẽ là các kho vũ khí hóa học của Syria được tập trung vào một địa điểm duy nhất. Nếu số vũ khí hóa học này được lưu trữ tại nhiều địa điểm khác nhau, việc vận chuyển các hóa chất gây chết người này sẽ rất nguy hiểm.
Cho đến nay, Mỹ và Nga là hai nước có kinh nghiệm nhất trong việc thủ tiêu vũ khí hóa học. Mỹ đã phá hủy 90% kho dự trữ vũ khí hóa học có từ thời Chiến tranh lạnh, mặc dù nước này vẫn còn 2.721 tấn khí mù tạt và chất độc thần kinh dự kiến được hủy bỏ. Trong khi đó, Nga đã phá hủy hơn 76% trong tổng số 40.000 tấn vũ khí hóa học mà nước này thừa hưởng từ quân đội Liên Xô.
Do số lượng các nhà thầu tư nhân quốc tế có chuyên môn trong việc phá hủy vũ khí hóa học và triển khai các đơn vị canh gác, kế hoạch loại bỏ kho vũ khí hóa học Syria của Nga sẽ không nhất thiết phải buộc Obama thất hứa với lời cam kết không đưa lục quân Mỹ vào lãnh thổ Syria. Rất có thể, các công việc canh gác và thủ tiêu vũ khí hóa học của chế độ Assad sẽ không cần đến binh sĩ Mỹ.
Lê Chân (theo RIA Novosti)