Cựu cố vấn Andrei Illarionov cho biết, ở một thời điểm nhất định ông Putin sẽ đưa Ukraine trở về quỹ đạo của Nga mà không nhất thiết phải khởi động bất cứ cuộc tấn công quân sự nào cả. Trên thực tế, không có cường quốc phương Tây nào “có đủ dũng khí” để sẵn sàng có hành động quân sự để bảo vệ Kiev. Trong khi đó, hành động can thiệp quân sự một cách công khai sẽ khiến Nga nhận thêm nhiều lệnh trừng phạt về kinh tế từ các nước phương Tây.
|
Gần đây, một số chuyên gia phân tích nhận định, nếu kế hoạch liên bang hóa thất bại, thì Tổng thống Putin mới sử dụng phương án B của mình.
|
Dựa trên sự “công nhận hoài nghi” rằng phải 3 năm nữa Nhà Trắng mới có sự thay đổi về đội ngũ lãnh đạo, do vậy, ông Putin sẵn sàng chơi một trò chơi dài hạn để thực hiện mục tiêu của mình. “Mục tiêu của ông ta vẫn nhằm duy trì quyền kiểm soát đối với Ukraine. Tuy nhiên, tôi bây giờ nghi ngờ rằng, ông Putin đang tính tới chuyện có thể đạt được mục tiêu mà không cần dùng tới xe tăng”, cựu cố vấn chính sách kinh tế Illarionov nói.
Chia sẻ với tờ The Daily Beast, ông Illarionov hi vọng Tổng thống Putin duy trì mối đe dọa tấn công bằng hàng nghìn binh sĩ dọc biên giới Ukraine và giảm chiến dịch xúi giục các phần tử ly khai ở các vùng miền đông.
“Mục đích chính của ông Putin là nhằm gây mất ổn định nền chính trị, làm suy yếu các thể chế nhà nước của Ukraine và cuối cùng là giúp các đồng minh chính trị của ông ta giành lại quyền lực ở Kiev”, Illarionov cho hay.
Ngoài ra, vị cựu cố vấn đã dự đoán chính xác các giai đoạn khác nhau về cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine, bao gồm những cảnh báo sớm về việc điện Kremlin sẽ lấy Crimea sau vụ lật đổ Tổng thống Yanukovych hồi tháng 2. Phát biểu ở trụ sở văn phòng nghiên cứu của mình ở Washington, ông Illarionov cảnh báo: “Tổng thống Putin sẽ không dễ dàng buông tay Ukraine cho tới khi ông ấy đạt được những gì mình muốn, đó là đưa Ukraine trở lại quỹ đạo của Nga. Và, ông ta sẽ làm điều đó bằng cách này hay cách khác”.
Trong khi đó, Vladimir Ryzhkov, cựu Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện) lập luận chiến lược của Nga là “nhằm làm suy yếu các tổ chức chính phủ của Ukraine càng nhiều càng tốt” và “để khu vực miền đông và nam nước này gắn bó với Moscow hơn so với Kiev”.
|
Ở phương án dự phòng B này, ông Putin sẽ tính tới chuyện triển khai 40.000 binh sĩ được cho là đang đóng ở dọc khu vực biên giới giáp với Ukraine.
|
Cuộc thăm dò, công bố tuần trước do Viện Cộng hòa Quốc tế tiến hành, cho thấy, khá ít người dân Ukraine ủng hộ chủ trương liên bang hóa (ở mức khoảng 14%). Mặc dầu ít người ủng hộ liên bang hóa, nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại không ngừng thúc đẩy và công khai đưa ra đề xuất liên bang hóa Ukraine trong các cuộc hội đàm với các quan chức Mỹ.
“Chúng tôi tin rằng, cải cách hiến pháp là cần thiết đối với Ukraine. Thẳng thắn mà nói, chúng tôi không nhận thấy cách giải quyết nào khác để Ukraine phát triển một cách bền vững ngoài việc trở thành một nhà nước liên bang”, ông lập luận trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Ông Lavrov tuyên bố, liên bang hóa sẽ không chỉ đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi của những tộc người thiểu số mà còn mở rộng quyền tự chủ cho các khu vực. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine phản bác lại rằng, liên bang hóa sẽ “chia cắt và phá hủy nhà nước Ukraine”.
Thanh Nga