Theo một quan chức Lầu Năm Góc, chính quyền Obama đã từ bỏ chương trình đào tạo phiến quân Syria “ôn hòa” và chuyển sang sách lược chống IS “trang bị và hỗ trợ” cho các nhóm nổi dậy có chọn lọc.
Dẫn lời một giới chức cấp cao của Lầu Năm Góc, báo New York Times nói sẽ không có thêm việc tuyển mộ các phần tử nổi dậy Syria “ôn hòa” để theo học các chương trình huấn luyện ở Jordan, Qatar, Ả-rập Xê-út hay Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất nữa. Thay vào đó, một trung tâm nhỏ hơn nhiều sẽ được thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi một nhóm nhỏ phần lớn là lãnh đạo các nhóm đối lập sẽ được huấn luyện các thao tác chiến trường chẳng hạn như làm thế nào để yêu cầu các cuộc không kích yểm trợ.
Sự thay đổi sách lược trong cuộc khủng hoảng Syria của chính quyền Obama có thể bao gồm việc không quân Mỹ có thể đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống IS, thông qua việc sử dụng sân bay ở Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter: Sách lược mới của Lầu Năm Góc là phối hợp với các nhóm ở Syria đang chiến đấu chống phiến quân IS. |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter 9/10 cho biết phương pháp tiếp cận mới của
Lầu Năm Góc là phối hợp với quân nổi dậy Syria chống phiến quân IS trên mặt đất. Mỹ đã hợp tác thành công với người Kurd Syria và các nhóm nổi dậy người Sunni ở miền bắc Syria. Mỹ cho rằng một lực lượng mặt đất có sức chiến đấu là điều cần thiết để thành công trong cuộc chiến chống IS, nhưng lực lượng này không phải là binh sĩ Mỹ.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ trưởng Quốc phòng Carter nói: "Tôi cho rằng thất bại của ISIL (IS) ở Syria sẽ phụ thuộc một phần vào sự thành công của các lực lượng mặt đất địa phương, năng động và có sức chiến đấu”. Viện dẫn sự hợp tác hiệu quả với lực lượng người Kurd dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, ông Carter nói tại cuộc họp báo ở London hôm 9/10: "Đó chính là ví dụ mà chúng tôi muốn theo đuổi với các nhóm khác và tại những nơi khác của Syria”.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết mục đích của sự thay đổi sách lược của Mỹ là hợp tác với với các đơn vị nổi dậy đã được thành lập ở Syria "để phối tấn công vào các vùng lãnh thổ vẫn bị ISIL (Nhà nước Hồi giáo IS) kiểm soát”.
Các quan chức chính phủ cho biết Lầu Năm Góc sẽ tập trung chủ yếu vào việc trang bị và hỗ trợ cho các nhóm nổi dậy người Sunni mà quân đội Mỹ đã và đang phối hợp với trong những tháng gần đây, khi họ cùng với dân quân người Kurd ở Syria tiến đánh phiến quân IS ở phía đông sông Euphrates. Lầu Năm Góc sẽ cung cấp cho các nhóm này vũ khí đạn dược và các phương tiện thông tin liên lạc, lôi kéo họ tham gia cuộc chiến chống khủng bố và sau đó là cung cấp thông tin tình báo để xác định mục tiêu cho các cuộc không kích.
Chỉ có lãnh đạo các nhóm nổi loạn "sẽ được xem xét kỹ lưỡng”, trong khi chương trình đào tạo cũ bao gồm yêu cầu rà soát kỹ từng chiến binh tham gia khóa huấn luyện.
Mức độ hỗ trợ của Mỹ cho các nhóm phiến quân chống IS dựa trên hiệu suất chiến đấu của họ. Christine Wormuth, phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc, nói với các phóng viên rằng mục tiêu mới là "làm việc với các nhóm trên mặt đất đã chiến đấu chống ISIL và cung cấp cho họ một số thiết bị để hoạt động hiệu quả hơn, kết hợp với các cuộc không kích của Mỹ”.
Sự thay đổi chiến thuật này cũng phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng trong chính quyền Obama về việc sự can thiệp của Nga đã khiến cho chiến trường Syria trở nên phức tạp hơn.
Trong khi đó, từ năm 2013, CIA đã đào tạo được khoảng 10.000 quân nổi dậy chống lại các lực lượng của Assad. Những nhóm này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tấn công thành lũy của người Alawite trung thành với gia tộc Assad, nhưng hiện thời đã chịu tổn thất nặng nề trước các cuộc không kích của Nga. Chương trình bí mật của CIA là cách duy nhất mà Mỹ tấn công chế độ Assad về mặt quân sự.
Chính quyền Obama hiện đang bị Quốc hội Mỹ chỉ trích nặng nề về cách tiếp cận sai lầm ở Syria. Việc Nga sử dụng tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu hiện đại không kích phiến quân ở Syria đã khiến cho Mỹ bị bất ngờ và bộc lộ rõ thất bại của chương trình 500 triệu USD đào tạo phiến quân “ôn hòa” của Lầu Năm Góc.
Hạ nghị sĩ Mac Thornberry, chủ tịch Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ, nói: "Chính quyền (Obama) đã theo đuổi một chính sách yếu kém không phù hợp ở Syria và một chính sách chống ISIS cũng yếu kém, không phù hợp. Điều chỉnh một chương trình, ngay cả khi việc điều chỉnh này là thành công, sẽ không giải quyết được vấn đề”.
Trong khi đó, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tiếp tục đà tiến ở Syria, bất chấp các cuộc không kích của liên quân do Mỹ cầm đầu và các cuộc không kích gần đây của Nga. Hôm 9/10, phiến quân IS đã đánh chiếm nhiều ngôi làng thành phố Aleppo trong một cuộc tấn công chớp nhoáng và đã tiến sát thành phố quan trọng thứ hai ở Syria.
Cùng ngày, Tehran cho biết một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bị thiệt mạng ở Syria. Theo một thông cáo được đưa ra hôm 9/10, tướng Hossein Hamedani bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo giết hại trong tuần này trong khi làm cố vấn cho quân đội Syria ở phía bắc Aleppo.
Các giới chức phương Tây đã than phiền về các cuộc không kích của Nga nhắm chủ yếu vào các nhóm nổi dậy khác của Syria, bao gồm nhiều nhóm được Hoa Kỳ và các đồng minh hậu thuẫn. Pháp lên án chiến dịch của Nga ở Syria và cho rằng “80 đến 90%” các cuộc không kích gần đây của Nga đã không nhắm mục tiêu vào nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Minh Châu (Theo AP)