Về phần mình, Nga đã tuyên bố triệu hồi đại diện quân sự tại NATO về nước. Moscow nhấn mạnh rằng, quan hệ đối tác tiếp theo sẽ được xây dựng trên cơ sở các bước đi thực tế của khối Bắc Đại tây Dương.
Vẫn coi Nga là kẻ thù không đội trời chung
Ngày 4/4 là mốc 65 năm thành lập khối Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, hiện nay cũng như vào ngày thành lập, NATO vẫn coi Nga là một kẻ thù và trong thời gian khủng hoảng Ukraine, cụ thể là việc Nga sáp nhập Crimea vừa qua, khối này đã thông qua quyết định chấm dứt quan hệ, chứ không phải tiếp tục đối thoại. Do lập trường của Moscow trong vấn đề Ukraine, NATO đã ngừng hợp tác với Liên bang Nga. Đồng thời, khối Bắc Đại Tây Dương đẩy mạnh sự hợp tác với Kiev.
Theo đó, các chuyên gia NATO bắt đầu đến Ukraine và lên kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung. Dù hiện nay không nói về việc Ukraine gia nhập khối này, nhưng trên thực tế, phương Tây công bố nước này nằm trong “bản đồ lợi ích” của NATO.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, phương Tây đã lôi kéo về phía mình các thành viên cũ của khối Hiệp ước Warsaw. Kể từ năm 1999 đến năm 2009, 12 quốc gia Đông Âu đã trở thành thành viên NATO. Liên minh cần đến các nước đó để tiến gần hơn tới biên giới Nga. Vào thời điểm "quan hệ ấm lên" khi Nga và NATO thiết lập cuộc đối thoại và tuyên bố kết thúc chiến tranh Lạnh, thì khối Bắc Đại Tây Dương không có nhu cầu tăng cường thành phần quân sự theo hướng Đông. NATO thậm chí đã ghi nhận điều đó trong văn kiện chính thức.
Song bây giờ, trong bối cảnh khủng hoảng mới, NATO đã thông qua quyết định bố trí căn cứ hải quân thứ hai trên lãnh thổ Estonia sát gần biên giới Nga, đã chuyển bổ sung 175 lính thủy đánh bộ đến Romania, điều tàu khu trục tên lửa Mỹ tới Biển Đen.
Không dừng ở đó, hôm qua (5/4), Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trên truyền hình:
“Việc tăng cường hiện diện quân sự của NATO tại Ba Lan sẽ được tiến hành trong vài ngày tới. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào vấn đề về quy mô, tốc độ và một số khía cạnh kỹ thuật của việc tăng cường an ninh của Ba Lan”.
Theo ông Donald Tusk, các nhà hoạch định quân sự đã nhận được yêu cầu có kế hoạch chi tiết vào ngày 15/4. Một quan chức NATO cho biết, còn quá sớm để đưa ra thông tin chi tiết khi các nhà hoạch định vẫn đang cân nhắc về các lựa chọn. Tuy nhiên, các phương thức có thể bao gồm gửi binh sĩ NATO và trang thiết bị tới các nước đồng minh Đông Âu trong các cuộc tập trận hoặc đồn trú ngắn hạn cũng như đảm bảo lực lượng phản ứng nhanh của NATO có thể triển khai nhanh hơn.
Ngoài ra, trong một diễn biến tương đồng, hiện các máy bay chiến đấu, vận tải các nước thành viên NATO đang tiến hành cuộc tập trận trên không lớn ở Lithuania – giáp Nga.
Chiến tranh Lạnh lần II?!
Các hành động trên rõ ràng là trái với thỏa thuận Nga - NATO. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi xuất phát từ quan điểm rằng, trong mối quan hệ giữa Nga và NATO có những quy tắc nhất định, trong đó có bản tuyên bố Rome và văn kiện về việc thành lập Hội đồng Nga-NATO. Các văn kiện này không cho phép sự hiện diện quân sự thường trực bổ sung trên lãnh thổ các quốc gia ở khu vực Đông Nam châu Âu”.
Thay vì cố gắng tìm sự nhân nhượng, liên minh lại chọn cách tăng cường sự đối đầu và công bố chấm dứt sự hợp tác với Nga. Trên thực tế, NATO trở lại thời kỳ "chiến tranh lạnh". Tổng biên tập báo "Quốc phòng" Igor Korotchenko nhận xét: “NATO tiếp tục đóng vai trò công cụ quân sự toàn cầu để đảm bảo sự thống trị của phương Tây. Hơn nữa, kể từ ngày thành lập liên minh, NATO từ một tổ chức quốc phòng trong khu vực biến thành cơ cấu có tham vọng toàn cầu. NATO muốn đóng vai trò “sen đầm quốc tế”. Trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy quá trình mở rộng phạm vi trách nhiệm của NATO, sự can thiệp của NATO vào các cuộc xung đột mới trên thế giới”.
Tuy nhiên, dù cắt đứt sự hợp tác, NATO vẫn bỏ ngỏ cho mình khả năng trong tương lai. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen bày tỏ hy vọng rằng, tuy vậy, các đề án hợp tác liên quan đến Afghanistan sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, trong vấn đề này, NATO quan tâm không phải đến lợi ích của người Afghanistan. Nga bảo đảm tuyến đường quá cảnh tới Afghanistan cho đội quân phương Tây. Để đảm bảo tiện lợi cho khối Bắc Đại Tây Dương, NATO lại một lần nữa sẵn sàng đưa sửa đổi vào quyết định của mình.
Hoàng Hoa (theo VOR, Reuter, AP)