Thông điệp địa chính trị thứ nhất: những tin tức của báo chí phương Tây về sự sụp đổ của Nga là phóng đại thái quá. Nói cách khác, nhận định rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây cộng với giá dầu sụt giảm kết hợp với kinh tế Trung Quốc suy thoái…đang đẩy Nga đến bờ vực sụp đổ là quá chủ quan, vội vã. Khả năng triển khai sức mạnh toàn cầu của Nga chỉ bằng một phần nhỏ khả năng của Mỹ, nhưng Nga là một trong số ít các nước trên thế giới có thể đưa quân vào Syria. Điện Kremlin đã phát đi tín hiệu rõ ràng về việc Nga có kế hoạch đóng vai trò chủ động trong việc thiết lập chương trình nghị sự ở Trung Đông và không thụ động chấp nhận việc người Mỹ tùy tiện định hình tương lai khu vực.
|
Tổng thống Putin rõ ràng không chấp nhận việc để cho Mỹ tiếp tục loại bỏ một nhà lãnh đạo nữa bị phương Tây gán cho cái mác “độc tài” và phá hoại sự ổn định ở Trung Đông. |
Thông điệp thứ hai, Tổng thống Putin rõ ràng không chấp nhận việc để cho Mỹ tiếp tục loại bỏ một nhà lãnh đạo nữa bị phương Tây gán cho cái mác “độc tài” và phá hoại sự ổn định ở Trung Đông. Trong khi Mỹ và Châu Âu tiếp tục tranh cãi về hành động sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng di cư,
Nga sẵn sàng hành động và nói rằng viện trợ quân sự trực tiếp để hỗ trợ Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS là cách tốt nhất để chấm dứt xung đột. Tổng thống Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng nếu mục tiêu chính sách của phương Tây là nhằm giảm dòng người tị nạn và giảm các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, thì kinh nghiệm ở Iraq và Libya cho thấy việc lật đổ Tổng thống Assad là hoàn toàn trái ngược với mục tiêu này. Sau khi đưa ra kết luận như trên, ông Putin không thèm quan tâm đến ý kiến phản đối của phương Tây trong việc
đưa bộ binh vào Syria.
Thông điệp thứ ba, Nga tự tin hơn về lập trường của nước này ở Ukraine. Bạo lực gia tăng trong mùa hè đã lắng dịu ở miền đông Ukraine, với việc hai bên phần lớn tuân thủ lệnh ngừng bắn. Đồng thời, nguy cơ chính trị-kinh tế ở Ukraine sẽ khiến cho nước này không có bước đột phá lớn trong việc khuếch trương cái gọi là thành quả của “cách mạng Maidan” và đưa đất nước vào một con đường không thể đảo ngược theo hướng hội nhập Châu Âu. Thay vào đó, cuộc xung đột Ukraine đang bị biến thành một cuộc xung đột kéo dài và “đóng băng”, trong đó Nga duy trì hầu hết các đòn bẩy.
Thông điệp thứ tư là Điện Kremlin rất kiên quyết trong việc bảo vệ các “vạch đỏ” mà Nga đã vạch ra. Giống như việc Moscow đã không cho phép quân ly khai Ukraine bị thất bại thê thảm mùa hè năm ngoái, người Nga đã cho thấy họ sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” Tổng thống Bashar al- Assad bị lật đổ hoặc bị loại bỏ bởi hành động quân sự của nước ngoài. Với lực lượng Nga trên mặt đất và tăng cường khả năng phòng không của quân đội Syria, rủi ro của mọi hành động của Mỹ và NATO chống lại chính phủ Assad đã tăng lên đáng kể. Việc thực thi một vùng cấm bay để tạo ra ra vùng đệm cho người tị nạn Syria có khả năng dẫn đến đụng độ với các lực lượng Nga.
|
Có tin nói Nga đã đưa vào Syria hệ thống pháo-tên lửa phòng không tầm thấp Pantsir-S1 cực kỳ hiện đại.
|
Và thứ năm, việc Nga sẵn sàng tham chiến trên mặt đất ở Syria là trái ngược với mưu đồ tuyệt vọng của Mỹ nhằm sử dụng các lực lượng địa phương tiến hành “cuộc chiến tranh ủy thác” chống cả chế độ Assad lẫn phiến quân IS. Điều này cũng khiến cho các nước đồng minh của Nga cảm thấy an tâm hơn, khi Moscow sẵn sàng thực hiện những cam kết của mình, ngay cả khi bị tổn thất về nguồn lực, mạng sống và danh tiếng. Điều này tác động mạnh đến các nước như Ai Cập và Azerbaijan, nơi chính phủ cầm quyền nghi ngờ các cam kết của Mỹ. Đối với các nước Trung Đông vốn phản đối chính sách của Nga ở Syria, quyết định của Tổng thống Putin khiến họ phải xét lại lập trường trước đây, nhất là khi nước Mỹ sẽ rất bận rộn với các chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng trong năm 2016.
Quyết định của Tổng thống Putin cho thấy việc Nga can dự trực tiếp vào cuộc chiến ở Syria ít rủi ro hơn việc để cho chế độ Assad sụp đổ. Chính vì vậy mà Nga vẫn làm theo kế hoạch đã được vạch sẵn, bất chấp mọi sự phản đối và hành động ngăn cản của Mỹ và phương Tây.
Minh Châu (Theo The National Interest)