Đó là nhận định của nhà phân tích chính trị châu Âu Nina Schick trong bài viết đăng trên trang mạng CNN. Theo đó, một số nước châu Âu đang đối diện với sự lớn mạnh của các đảng phái chính trị ủng hộ "tái quốc hữu hóa", được hiểu là phản đối toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế đã định hình trật tự thế giới sau năm 1945.
|
Bà Merkel sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là sự "độc hành" nếu chiến thắng nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4. Ảnh: Reuters |
Ở Italy, cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 4/12 về việc thay đổi hiến pháp dường như đang nghiêng về lựa chọn “Không” có thể khiến Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức và tạo điều kiện cho đảng cánh hữu “Phong trào 5 sao” -chủ chương ủng hộ Italy rời Liên minh châu Âu (EU)- có thêm quyền lực.
Trong khi đó, nhiều khả năng Áo sẽ có tổng thống mới là ông Norbert Höfer thuộc đảng Tự do (FPÖ) cánh hữu. Về phần Hà Lan, ông Geert Wilders thuộc đảng Vì Tự Do (PVV) có quan điểm chống Hồi giáo và lạnh nhạt với EU, đã đưa ra cam kết khá tương đồng với khẩu hiệu của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump: “Đưa Hà Lan vĩ đại trở lại”. Ông Geert Wilders đang trên đường vận động cho cuộc bầu cử vào quốc hội trong tháng 3/2017. Qua các cuộc khảo sát ban đầu, PVV chỉ đứng sau đảng của Thủ tướng đương nhiệm Mark Rutte.
Nhưng hai cuộc bầu cử đang khiến EU “toát mồ hôi lo lắng” nhất là tại Pháp và Đức.
Với đảng lãnh đạo mới có khuynh hướng trái ngược, Paris và Berlin sẽ không thể tìm được tiếng nói chung để thống nhất về nhiều vấn đề cho EU. Pháp trở nên “hướng nội” hơn sẽ khiến Đức đơn độc tự chèo lái EU khi Anh đã rời đi rất xa (Brexit).
Ở Pháp, ông François Fillon của đảng Cộng hòa Pháp nhiều khả năng sẽ đối đầu với bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận Quốc gia trong cuộc bầu cử vào điện Elysee tháng 4/2017. Cả hai ứng cử viên Fillon và Le Pen đều khá rắn trong vấn đề người nhập cư. Ông Fillon còn phản đối ý tưởng rằng Pháp có thể là một xã hội đa văn hóa.
Còn Đức lại có bức tranh rõ ràng hơn khi các chuyên gia đánh giá nhiều khả năng bà Angela Merkel đảm nhiệm vị trí Thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư sau cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 9 hoặc 10/2017. Bà Merkel khi đó sẽ chịu nhiều áp lực khi trở thành “người bảo vệ” cho toàn cầu hóa và dân chủ tự do, không chỉ đối với cử tri ở trong nước mà với cả thế giới. Trong thời gian qua, Đức đã rất nhân từ và mở rộng cửa tiếp nhận 1,1 triệu người tị nạn.
Do đó, viễn cảnh khi Pháp và Đức không còn chung một con đường sẽ khiến Berlin phải dẫn dắt EU với nhiều thách thức trước mắt như Brexit, người nhập cư và thậm chí là Tổng thống Mỹ đắc cử Trump - một nhân vật khó đoán định.
Theo Hà Linh/Báo Tin Tức