Nấc thang mới trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Google News

(Kiến Thức) - Giữa lúc căng thẳng Trung-Nhật về Senkaku/Điếu Ngư vẫn còn âm ỉ, hai học giả Trung Quốc lại tìm cách “đổ thêm dầu vào lửa”.

 Vị trí của Okinawa trên bản đồ Đông Á.

Trong một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc – ngày 8/5, hai học giả  Zhang Haipeng và Li Guoqiang của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đặt vấn đề “xem xét lại” chủ quyền của Nhật Bản đối với dãy đảo Ryukyu (Okinawa là một phần của chuỗi đảo này).

Khốn nỗi, Okinawa lại là nơi có nhiều căn cứ quân sự Mỹ và Nhật Bản đã quản lý điều hành chuỗi đảo này từ lâu.

Ngày 8/5, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga gọi bài viết đăng trên tờ Nhân dân Nhật Báo nói trên là “ngu xuẩn”. Ngày 9/5, Tokyo đã gửi công hàm ngoại giao phản đối.

Cho đến nay, may mắn là chính phủ Trung Quốc đã không tán thành ý kiến của hai học giả nói trên.

The New York Times đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Doanh, đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này nhưng không "có lập trường rõ ràng về chủ quyền” đối với chuỗi đảo Ryukyu. Bà Hoa Xuân Doanh giải thích: “Từ lâu, lịch sử của quần đảo Ryukyu và Okinawa đã là một vấn đề của giới học giả. Tôi sẵn sàng nhắc lại rằng quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc và chưa bao giờ là một phần của Ryukyu hoặc Okinawa”.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc không ủng hộ bài viết nói trên, nhưng xu hướng này không phải là tốt lành. Mặc dù bài viết có tính chất kích động xung đột giữa hai nền kinh thế thứ 2 và thứ 3 thế giới chưa gây chấn động vào thời điểm hiện nay, việc cơ quan kiểm duyệt báo chí Trung Quốc “bật đèn xanh” cho nó mới là điều đáng lưu ý.

Nếu muốn giảm bớt căng thẳng và trở về dàn xếp trước đó là không để cho tuyên tố chủ quyền trái ngược đối với Senkaku/Điếu Ngư tác hại đến quan hệ song phương, hai bên cần thực hiện những bước sau đây.

Thứ nhất, hai bên cần tránh đưa tàu quân sự hoặc tàu công vụ hoặc máy bay đến các khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này sẽ hạn chế khả năng xảy ra một vụ va chạm không mong muốn trên biển hoặc trên không. Một sự cố như vậy sẽ làm cho vấn đề trở nên vô cùng tồi tệ.

Tiếp theo, cả hai bên cần phải hạn chế việc đưa ra những tuyên bố bất lợi làm căng thẳng gia tăng. Trong thời đại thông tin hiện nay, cả hai bên cần phải hết sức cẩn thận trong việc lựa chọn lời nói của họ. Trong trường hợp này, việc hai bên giữ im lặng là có thể chứng minh một cách mạnh mẽ về quyết tâm giảm bớt căng thẳng.

Cuối cùng, cần phác thảo một con đường tiến về phía trước, nơi hai bên có thể tham gia vào một cuộc đối thoại bền vững. Các cuộc đàm phán như vậy cần phải là các cuộc đàm phán kín, tránh được sự tò mò của khán giả trong nước và các phương tiện truyền thông.

Đối thoại là cách duy nhất để hai bên có thể đi đến thỏa thuận, hoặc ít nhất là để lại vấn đề này cho các thế hệ tương lai giải quyết. Không bên nào có lý do hợp lý để duy trì căng thẳng leo thang. Hy vọng, Tokyo và Bắc Kinh nhận thức rõ điều này.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: