Hãng tin AP dẫn lời các quan chức Mỹ hữu quan cho biết đến tháng 3/2017, "ông Assad sẽ từ chức tổng thống và bộ sậu thân cận của ông sẽ ra đi”.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức, nhưng bầu ai làm tổng thống lại là quyền của cử tri Syria.
|
Theo lộ trình của Mỹ, một cơ chế cai quản chuyển tiếp sẽ được thiết lập trong tháng 4/2016. Quốc hội Syria sẽ bị giải tán trong tháng 5/2016 và trong sáu tháng tiếp theo, hiến pháp mới sẽ được soạn thảo. Syria sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp vào tháng 1/2017. Chính phủ mới sẽ được thành lập sau các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức tháng 8/2017.
Chỉ có điều, Tổng thống Bashar al-Assad không hề công khai tuyên bố liệu ông có ý định từ chức trước thềm bầu cử tổng thống hay lại ra tranh cử. Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Bashar al-Assad ra tranh chức tổng thống, ông sẽ đắc cử.
Nga luôn nói rằng người Syria có quyền quyết định tương lai của họ, bao gồm cả việc lựa chọn tổng thống.
Thời gian biểu lỏng lẻo của Mỹ này tương ứng với một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó cung cấp lộ trình giải quyết cuộc nội chiến Syria kéo dài nhiều năm qua. Kế hoạch này đảm bảo một lệnh ngừng bắn, sau đó tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội. Theo dự kiến, các cuộc bầu cử này sẽ diễn ra vào giữa năm 2017.
Chính quyền Obama đã nhiều lần tuyên bố rằng Tổng thống Assad phải đi trước khi tiến trình hòa bình Syria có thể bắt đầu. Nhiều chính trị gia, quan chức và chuyên gia cho rằng lập trường cứng rắn này ngăn cản Washington hợp tác với Moscow, Tehran và Damascus trong cuộc chiến chống Daesh (Nhà nước Hồi giáo IS) và về cơ bản đang trì hoãn việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, một cuộc chiến đã khiến cho khoảng 250.000 người thiệt mạng và 11 triệu người phải chạy loạn.
Trong những tuần gần đây, Washington và các đồng minh Châu Âu của mình dường như đã có nhượng bộ về đòi hỏi "Assad phải ra đi", nói rằng ông có thể tiếp tục nắm quyền trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ dự kiến sẽ được khởi động vào cuối tháng 1/2016, nhưng nó có thể trở nên phức tạp do sự tham gia của nhiều bên kình chống lẫn nhau, trong đó có Ả-rập Xê-út và Iran. Quan hệ giữa hai quốc gia Shia và Sunni hàng đầu này đã xấu đi đáng kể , sau khi Riyadh hành quyết giáo sĩ Shia nổi tiếng Nimr al-Nimr - nhân vật hàng đầu chỉ trích Hoàng tộc Saud.
Riyadh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi những người biểu tình xông vào đốt phá đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Tehran.
Minh Châu (Theo Sputnik News)