Mỹ sẽ tăng cường cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở miền bắc Syria, một quan chức Nhà Trắng ngày 15/10 cho biết.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm góc sẵn sàng chuyển giao vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria, nếu như lực lượng này chứng tỏ được khả năng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. “Sẽ có thêm nhiều vũ khí được chuyển tới, nhưng chỉ khi họ cho thấy khả năng sử dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống IS. Nếu có kết quả, các gói viện trợ sẽ ngày một lớn và (quân nổi dậy) cũng sẽ nhận được sự trợ giúp từ các đợt không kích do máy bay Mỹ thực hiện… Chúng tôi luôn để ngỏ cánh cửa đối với các giải pháp, trong đó việc cấp vũ khí. Nếu họ thất bại, nếu vũ khí đi sai địa chỉ nguồn cung sẽ bị cắt đứt”, quan chức này nói.
Động thái này xuất hiện sau khi Lầu Năm góc hồi tuần trước thông báo ngừng chương trình huấn luyện quân nổi dậy “ôn hòa” ở Syria trị giá 500 triệu USD và chuyển trọng tâm sang cung cấp vũ khí cho các lực lượng “thực sự” chống IS.
|
Chiến binh người Kurd sau khi giải phóng thị trấn Tel Abiyad khỏi sự chiếm đóng của phiến quân IS ở miền bắc Syria.
|
Tuy Mỹ không nói rõ lực lượng nào sẽ nhận được sự hỗ trợ trực tiếp, nhưng giới phân tích nhận định đó là liên minh mới được thành lập gồm các nhóm nổi dậy ở miền bắc Syria. Hôm 12/10, Lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG) tuyên bố thành lập Liên minh các lực lượng dân chủ Syria (SDF) - một “lực lượng quân sự thống nhất quốc gia hướng đến tạo lập một nước Syria dân chủ”. Liên minh này gồm có YPG, Liên minh người Syria gốc Ả-rập (SAC) và người Assyria. Các nguồn tin khu vực cho biết YPG - đối tác mà Mỹ duy nhất tin tưởng hiện nay ở Syria - sẽ cầm đầu liên minh này. SDF cũng sẽ dần dần thu nạp các chiến binh “ôn hòa” từng được Mỹ đào tạo, huấn luyện.
Tuyên bố của YPG nhấn mạnh, Syria đang ở giai đoạn nhạy cảm, với những diễn biến nhanh chóng trên các mặt trận chính trị, quân sự, đòi hỏi phải có một lực lượng thống nhất. Mục tiêu trước mắt của liên minh này là chống IS, nhưng về lâu dài là hướng đến việc xây dựng một “Syria dân chủ”. Với thành phần đa dạng như vậy, gồm đủ đại diện các giáo phái, SDF “hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía liên quân do Mỹ cầm đầu”, Nasir Haj Mansour, một nhân vật cấp cao của YPG nói. Trên thực tế, 50 tấn vũ khí mà Mỹ mới viện trợ cho quân nổi dậy là tới tay SDF. Còn truyền thông Ả-rập Xê-út thì tiết lộ chính Mỹ là người đứng sau thúc đẩy sự ra đời của SDF.
Giới phân tích nhận định, cục diện tại Syria đã thay đổi nhiều sau khi Nga mở chiến dịch can dự quân sự, trợ giúp chính quyền Tổng thống Barshar al-Assad theo đề nghị của Damascus. Vị thế của Mỹ tại Trung Đông đang bị thử thách nghiêm trọng và đương nhiên Washington sẽ không chịu ngồi im để Nga tự do hành động. Mỹ đang gây sức ép để buộc các đồng minh trong khu vực hỗ trợ lực lượng nổi dậy đánh chiếm Raqqa ở miền bắc Syria, “thành trì” của IS. SDF sẽ là lực lượng “chủ công” trong chiến dịch này, dưới sự hỗ trợ của các đòn không kích do máy bay Mỹ và liên quân thực hiện. Mục đích của Washington là để lấy lại tính “chính danh” trong cuộc chiến chống IS vốn bị hủy hoại nhiều sau hai tuần Nga không kích “hiệu quả” quân khủng bố ở Syria. Quan trọng hơn, Mỹ cũng muốn “tạo dựng hiện diện” trên thực địa theo cách thức mà Nga vừa thực hiện can dự ở Syria, nhằm gia tăng ảnh hưởng trong bất kỳ tiến trình đàm phán sau này nào ở Syria.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Mỹ bỏ lơ “quân nổi dậy ôn hòa” mà tiêu biểu là “Quân đội Syria Tự do” (FSA) để bắt tay với YPG xuất phát từ việc FSA tỏ ra yếu thế trong cuộc chiến chống IS, chống quân chính phủ, chỉ kiểm soát được một phần rất nhỏ diện tích ở Syria. Trong khi đó, YPG kiểm soát được cả một dải lãnh thổ ở miền bắc Syria và Mỹ đã thiết lập được mối quan hệ với nhóm này trong cuộc chiến chống IS từ trước. Quan trọng hơn, YPG được đánh giá lực lượng thiện chiến nhất trong các nhóm nổi dậy ở Syria, với khoảng 20.000 tay súng (có cả nữ giới), nổi tiếng gan dạ cùng chiến thuật đánh du kích. Chính các chiến binh YPG là lực lượng chủ công đánh bại quân khủng bố IS tại “chảo lửa” Kobane hồi đầu năm 2015.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo Mỹ không nên “dính sâu” vào YPG - lực lượng mà Ankara coi là cánh vũ trang của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK). Thủ tướng Ahmet Davutoglu ngày 14/10 công khai phản đối việc Mỹ hỗ trợ người Kurd chiến đấu chống lại IS ở Syria, với lý do số vũ khí viện trợ có thể rơi vào tay PKK. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một nhà nước ly khai của người Kurd thậm chí còn nguy hại hơn cả khủng bố IS.
Theo Báo Tin tức/Reuters