Ngay sau siêu bão, Mỹ triển khai ít nhất 80 máy bay bao gồm 12 chiếc V-22 Ospreys cùng 14 trực thăng Sea Hawk, hàng trăm chuyên gia và 9.500 quân nhân Mỹ kèm theo hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc thang và các thiết bị y tế khác tới hỗ trợ Philippines.
Mỹ còn điều tàu sân bay Mỹ USS George Washington tới đồng minh ruột.
Tổng cộng Mỹ đã chi khoảng 37 triệu USD cho Philippines chỉ trong vài ngày gần đây.
Do những hạn chế đáng kể trong khả năng tiếp cận các khu vực xa xôi bị cách ly sau siêu bão cũng như những nơi bị tàn phá nặng nề nhất, ngoài Mỹ, Manila buộc phải phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của hàng chục quốc gia, chủ yếu là các đồng minh chiến lược như Australia và Nhật Bản.
|
Lính Mỹ xếp hàng cứu trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi siêu bão Haiyan ở Philipines.
|
Theo giới quan sát, cả 3 nước này đều tận dụng quan hệ chiến lược với Philippines thời gian gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng để đối phó với sức mạnh đang lên như diều gặp gió của Trung Quốc.
Và động thái tích cực hỗ trợ Philippines khắc phục hậu quả sau siêu bão của Mỹ được giới quan sát cho là đã phản ánh chính sách đối ngoại quan trọng, nhấn mạnh nỗ lực của Washington để trở thành “cái mỏ neo” giữ ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Philippines tan hoang sau siêu bão Haiyan.
|
Trong một tuyên bố, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little đã giải thích ý nghĩa của chiến lược rộng lớn hơn của các hoạt động nhân đạo của Mỹ tại Philippines như sau: “Một trong những trụ cột chính trong phòng thủ chiến lược của chúng tôi là xây dựng năng lực và đầu tư cho các đồng minh cũng như đối tác, đặc biệt là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu của chúng tôi không phải là thiết lập các căn cứ quân sự mới của quân đội Mỹ tại Philippnes mà chỉ là mở rộng sự hiện diện luân phiên thường xuyên tại đây. Một trong những lợi ích của việc này chính là chúng tôi có thể hợp tác, hỗ trợ các đồng minh, đối tác khu vực đáp ứng nhanh chóng kịp thời đối với các vấn đề như cứu trợ thiên tai và nhân đạo”.
Trước đó, do chính phủ phải đóng cửa, Tổng thống Obama đã phải hủy chuyến thăm tới các nước châu Á bao gồm Philippines và không thể tham dự các hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khu vực.
Sự kiện này đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ quan ngại sâu sắc về các cam kết mạnh mẽ của cường quốc số một thế giới trong khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay, cảm giác quan ngại, lo lắng trên đã giảm đáng kể sau khi Mỹ một lần nữa tích cực dẫn đầu các hoạt động nhân đạo quy mô trong cuộc khủng hoảng Philippines, tương tự như những gì họ đã làm trong thảm họa sóng thần năm 2004.
Nói cách khác, nhờ dẫn đầu trong các hoạt động nhân đạo, cứu trợ khu vực, vị thế của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đã được cải thiện, nâng cao đáng kể.
|
Nạn nhân của siêu bão Haiyan ở Philippines hối hả xếp hàng nhận viện trợ nhân đạo do trực thăng đưa tới.
|
Trước siêu bão Haiyan, Manila và Washington đang thương lượng thỏa thuận khung mới cho phép mở rộng sự hiện diện quân sự Mỹ tại Philippines. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán song phương gặp bế tắc bởi mâu thuẫn liên quan đến thẩm quyền của 2 bên đối với các tài sản Mỹ tại các căn cứ của Philippines và một số vấn đề khác. Nhiều chuyên gia cho rằng, những hỗ trợ nhân đạo của Mỹ tại Philippines suốt những ngày gần đây sẽ có khả năng ảnh hưởng, tác động đáng kể trên bàn đàm phán.
Tiếp bước Mỹ, Nhật nhảy vào các hoạt động nhân đạo tại Philippines và giữ vai trò quan trọng.
Chính quyền Shinzo Abe đã nâng mức viện trợ cho Philippines lên gấp 3 từ 10 triệu USD tới 30 triệu USD. Chấp nhận yêu cầu của Manila, Tokyo ban đầu chỉ gửi 50 thành viên của Lực lượng Phòng vệ (SDF) tới Philippines để hỗ trợ hậu cần và y tế. Tuy nhiên, Tokyo cam kết sẵn sàng tăng số lượng các thành viên SDF tới Philippines lên tới 1.180 người. Đây được xem là hoạt động cứu trợ nước ngoài lớn nhất mà SDF từng được giao phó. Ngoài ra, Nhật cũng triển khai 2 tàu mang xe tải, trực thăng vận tải và khoảng 700 tình nguyện viên tới Philippines, tham gia các hoạt động cứu trợ.
Giới quan sát bình luận, động thái này của Tokyo không chỉ phản ánh nỗ lực thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn của chính quyền Thủ tướng Abe với Manila mà còn chứng tỏ mục tiêu nâng cao vị thế quốc tế của SDF như một lực lượng vì hòa bình và ổn định. Tính toán khôn ngoan này được cho là sẽ giúp thúc đẩy và hỗ trợ kế hoạch thay đổi Hiến pháp, cho phép Nhật giữ vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu mà chính quyền Abe chủ trương.
Trong khi Mỹ, Nhật tích cực tăng cường quyền lực mềm tại Philippines nói riêng và một khu vực rộng lớn hơn nói chung, Trung Quốc (hiện đang lún sâu vào xung đột lãnh thổ gay gắt với Philippines) dường như lại bỏ lỡ thời cơ hiếm có với những nỗ lực hỗ trợ ít ỏi. Bắc Kinh chỉ hỗ trợ 100.000 USD tiền mặt cho Philippines chính thông qua Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc. Tuy nhiên, do bị chỉ trích, Bắc Kinh cuối cùng quyết định hỗ trợ nhân đạo trị giá 1,4 triệu cho Manila đồng thời tuyên bố sẵn sàng gửi tàu bệnh viện tới nước láng giềng bị siêu bão tàn phá nặng nề.
Tuy nhiên, một Nghị sĩ Philippines lên tiếng tuyên bố, Manila từ chối mọi sự giúp đỡ từ Trung Quốc và cho biết, duy nhất chỉ có hàng viện trợ của Bắc Kinh bị chặn lại tại cửa khẩu.
Các nhà phân tích nhận định, tất cả những động thái này phản ánh tính chất nhạy cảm và căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đồng thời chứng minh Manila có những đồng minh ruột mạnh mẽ và đáng tin cậy. Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này rõ ràng mang đến cho Mỹ, Nhật cơ hội thể hiện sức mạnh quân sự trước Trung Quốc và nhấn mạnh quyết tâm của họ để giữ vững vị thế “là mỏ neo chiến lược” trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bạch Dương (theo ATimes)