Theo gót Mỹ, cuối tuần qua, phương Tây chính thức áp đặt
các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhắm vào các chính trị gia và doanh nhân Nga song song với việc hủy bỏ các hội nghị thượng đỉnh quan trọng đã được lên kế hoạch trước đó với Moscow.
Việc Crimea gia nhập Liên bang Nga - theo ý nguyện của đại đa số người dân bán đảo này sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 mới đây - rõ ràng là nguyên nhân kích hoạt một loạt động thái chống lại Nga trong thế giới phương Tây. Lờ đi tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea, phương Tây tìm mọi cách phá hoại nỗ lực sáp nhập Crimea vào Nga, yêu cầu Moscow trả bán đảo lại cho
Ukraine. Phương Tây cố chấp không muốn thừa nhận thực tế, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Nga không hề mất mát hoặc phải đánh đổi điều gì mà giành được hay nói đúng hơn là lấy lại được lãnh thổ lịch sử của họ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, trên thực tế,
phương Tây chỉ là con rối của Mỹ và đang bị Washingtion giật dây để thực hiện những hành động phi lý và mù quáng chống lại Moscow. Washington đe dọa, Mỹ hợp sức cùng các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến Nga phải hứng chịu “các biện pháp trừng phạt kinh tế tiêu cực hơn có khả năng hủy hoại nền kinh tế Nga”. Đương nhiên Nga sẽ không để yên và sẽ có biện pháp đáp trả. Một câu hỏi đặt ra là điều này sẽ dẫn đến đâu?
|
Trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Mỹ đang lợi dụng phương Tây để chống Nga.
|
Trả lời câu hỏi trên, Giáo sư Alexander Mikhailenko thuộc Học viên Kinh tế và Hệ thống Dịch vụ Quốc gia của Nga nhấn mạnh: “Việc phương Tây hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh G8 đương nhiên sẽ gây bất lợi cho Nga (về uy tín, thanh danh). Tuy nhiên, điều này cũng sẽ giáng một đòn nặng nề vào phần còn lại G7 cũng như các quốc gia được mời tới tham dự hội nghị trong vai trò là quan sát viên. Sự hợp tác giữa các quốc gia, chẳng hạn trong các vấn đề an ninh trong thế giới ngày nay là vô cùng quan trọng và ngày càng được mở rộng. Moscow, không thể phủ nhận đóng vai trò chìa khóa trong việc giải quyết một số vấn đề lớn, có tầm trọng yếu, chẳng hạn chương trình hạt nhân của Iran và cuộc khủng hoảng Syria. Nếu những vấn đề đó không được giải quyết, chúng sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng tới các nước phương Tây”.
Ông Alexander Mikhailenko nhấn mạnh: “Việc thiếu đối thoại và hợp tác giữa Nga và phương Tây hoàn toàn không có lợi cho đôi bên khi phần lớn các nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, Mỹ đang mưu toan hâm nóng tình cảm chống Nga trên khắp thế giới, không hề bận tâm đến vấn đề trên. Châu Âu chẳng qua chỉ là thẻ bài để Washington đưa ra mặc cả, là con tốt trong cuộc chiến giữ quyền “bá chủ thế giới” và cảnh sát toàn cầu của Mỹ.
Trong một tuyên bố, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng cáo buộc: “Chúng tôi có bằng chứng về sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của các quốc gia như Mexico, Guatemala, Panama, Nicaragua, Haiti… Rồi các nỗ lực đảo chính tại Venezuela, Argentina, Brazil, Ecuador và Bolivia. Không có cuộc đảo chính nào ở Mỹ La tinh mà chính phủ Mỹ không nhúng tay vào”.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, để chống Nga và giữ quyền bá chủ thế giới, Mỹ đã đứng sau cuộc đảo chính ở Ukraine tương tự như những gì họ làm trước đó ở nhiều quốc gia khác.
Giáo sư James Petras, một nhà quan sát chính trị ở Đại học Binghamton, New York cho biết, có nhiều điểm tương đồng giữa cuộc đảo chính ở Ukraine mới đây và cuộc đảo chính ở Colombia vào năm 1953. Đồng thời, Giáo sư Petras tin rằng, Mỹ chính là kẻ chủ mưu đảo chính trong cả hai trường hợp.
Trong bài báo được đăng tải trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu có trụ sở ở Montreal, Giáo sư James Petras cáo buộc: “Washington đang kích động bạo lực và chiến tranh bằng việc dàn dựng, tuyên truyền các quá trình dân chủ và cải cách hòa bình là không thể đạt được, để rồi lật đổ các chính phủ dân cử, độc lập”.
Theo Giáo sư James Petras, có nhiều bằng chứng cho thấy, Mỹ can thiệp vào công việc nội tại Colombia từ những năm đầu thế kỷ 20 khi khuyến khích Panama ly khai. Nay Mỹ lên án, chỉ trích Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, đồng thời hỗ trợ phe đối lập Ukraine chiếm đoạt quyền lực ở Kiev bằng những hành động thiết thực. Giáo sư James Petras nhận định, trong tất cả các trường hợp, châu Âu luôn là cánh tay đắc lực phục vụ ý đồ của Mỹ.
Đồng tình với các đồng nghiệp, song Giáo sư Oleg Matveichev thuộc Trường Kinh tế Cao cấp của Nga cho rằng, châu Âu sẽ sớm chứng tỏ họ chạy theo chủ nghĩa thực dụng và sẽ giới hạn các biện pháp trừng phạt tập thể.
“Không quốc gia phương Tây nào muốn cắt đứt quan hệ (với Nga) mãi mãi. Họ sẽ phải đặt ra câu hỏi, họ được lợi lộc gì và họ phụ thuộc vào cái gì. Không ai có thể trả lời những câu hỏi đó ngoại trừ Nga”, Giáo sư Oleg Matveichev nhấn mạnh và cảnh báo, mỗi khi phương Tây trừng phạt Nga, Moscow sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn và điều này luôn làm phương Tây bị tổn hại nặng nề nhất.
Bạch Dương (tổng hợp)