Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đang có chuyến thăm khu vực Trung Đông và Châu Phi. Chuyến thăm được dư luận khu vực rất quan tâm, bởi những diễn biến phức tạp và nóng ở khu vực như cuộc chiến chống khủng bố, khủng hoảng ở Syria hay Yemen.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm Ai Cập. Ảnh: Reuters |
Đây là chuyến công du Trung Đông và Châu Phi đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Trong chuyến thăm tới Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Israel, Qatar và Ghibly lần này của ông Mattis nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quân sự, hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố với các nước đồng minh, cũng như thông báo về một số quan điểm, chính sách của chính quyền Donald Trump trong giải quyết các vấn đề nóng ở khu vực như Syria, Yemen, Iran, Iraq.
Theo các nhà phân tích khu vực, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn nhằm thực hóa chiến lược quân sự của nước này ở khu vực. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ có chiến lược riêng đối với khu vực Trung Đông, vì lợi ích và an ninh của nước Mỹ.
Không chỉ củng cố quan hệ đồng minh, hợp tác chống khủng bố, chuyến thăm của ông James Mattis còn mang theo thông điệp, chính quyền mới của Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều này có thể thấy trong xu hướng tăng ngân sách quốc phòng 10% giá trị 54 tỷ USD.
Một điểm đáng chú ý nữa là cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, quan hệ Mỹ với các nước đồng minh Ả Rập đã bị rạn nứt. Chính vì vậy, chuyến thăm này là một trong những nỗ lực nhằm làm ấm lại mối quan hệ chiến lược với các đồng minh. Mỹ muốn hỗ trợ hơn nữa cho các nước đồng minh ở Vùng Vịnh như Araba Saudi nhằm đối phó với các lực lượng khủng bố ở Yemen.
Đối với Ai Cập, ngoài việc làm nồng ấm lại mối quan hệ giữa hai nước nói chung, trong lĩnh vực quân sự nói riêng, hai bên cũng bàn hợp tác chống lại các phần tử khủng bố, cực đoan ở bán đảo Sinai. Mỹ đánh giá Ai Cập là một đối tác an ninh quan quan trọng ở khu vực và là cầu nối để thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Mỹ ủng hộ thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine nhằm cố gắng để đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. Đối với Syria, Mỹ có thể can thiệp sâu hơn nữa nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 6 năm ở nước này, đồng thời tiêu diệt các nhóm khủng bố, ổn định ở Trung Đông, cũng như ngăn chặn khủng bố ở khu vực vì ổn định và các lợi ích của Mỹ.
Bên cạnh vấn đề quân sự, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước đồng minh phát triển kinh tế thông qua các khoản viện trợ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Đây cũng là cách để các nước ổn định, ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và cực đoan./.
Theo PV/VOV-Cairo