|
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki: Không có gì mới trong đề xuất đối thoại của Bình Nhưỡng. |
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế đã rất nhất quán và rõ ràng đòi Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân một cách có kiểm chứng và tham gia “đàm phán nghiêm túc và đáng tin cậy để tạo ra những hành động cụ thể phi hạt nhân hóa”.
Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki nói không có gì mới trong đề xuất đối thoại mới của Bình Nhưỡng. Washington vẫn đang chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng về việc Bình Nhưỡng thay đổi đường lối của mình.
Chính quyền Barack Obama luôn nói rằng họ sẵn sàng nói chuyện với Triều Tiên. Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành một cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên và đạt được thỏa thuận Bình Nhưỡng đồng ý ngừng làm giàu uranium tại nhà máy Yongbyon và tuân thủ lệnh cấm trên thử nghiệm tên lửa hạt nhân tầm xa để đổi lấy 240.000 tấn lương thực.
Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau đó, Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm xa với “mục đích đưa một vệ tinh vào quỹ đạo”. Hành động này vi phạm các nghị quyết Hội đồng Bảo an cấm Triều Tiên phóng tên lửa tên lửa đạn đạo.
Bà Psaki cho biết Washington vẫn mở cửa cho các cuộc đàm phán song phương với Bình Nhưỡng, nhưng chỉ bên lề các cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên liên quan đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
Phát biểu của bà Jennifer Psaki nhằm đảm bảo với Hàn Quốc và Nhật Bản rằng Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong việc đối phó với Triều Tiên.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng không còn quan tâm đến đàm phán 6 bên mà chỉ tìm cách để các nước công nhận là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và giành được sự nhượng bộ của Washington.
Các chuyên gia Mỹ chỉ ra rằng cả Mỹ và Triều Tiên đều có ít lựa chọn chính trị.
Ken Gause, giám đốc của Nhóm nghiên cứu các vấn đề quốc tế của CNA, một tổ chức nghiên cứu quốc phòng ở Alexandria, Virginia (Mỹ) nhận định đề xuất đối thoại song phương với Mỹ của Triều Tiên “chẳng đi đến đâu cả” vì Washington không muốn đàm phán thiếu vắng vấn đề hạt nhân, trong Bình Nhưỡng lại không sẵn sàng từ bỏ “quốc bảo” vũ khí hạt nhân.
Liên quan đến chiến dịch vận động ngoại giao gần đây của Bình Nhưỡng, ông Gause nói có vẻ như Bình Nhưỡng tìm cách “giảm thiếu thiệt hại” mà họ đã gây ra trong vài tháng gần đây và tìm kiếm lối thoát ra khỏi khủng hoảng.
Patrick M. Cronin, một nhà phân tích cấp cao của Trung tâm An ninh mới (CNAS), cho biết một vấn đề quan trọng là Bắc Triều Tiên là không nghiêm túc đối thoại. Ông nói: “Thay vào đó, Bình Nhưỡng đang áp dụng ‘vở cũ’ là phát triển vũ khí hạt nhân, tiến hành các hành động khiêu khích và sau đó giả vờ quan tâm đến đàm phán…”.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lê Chân (theo Yonhap)