|
Giáo sư Ramesh Thakur, cựu trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
|
Thế nhưng, theo giáo sư Ramesh Thakur (cựu trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc), thật trớ trêu, nhân vật từng được trao giải Nobel Hòa bình này lại biến nước Mỹ thành nhà nước “vô pháp” lớn nhất thời đại.
Để chứng minh cho nhận định nói trên, giáo sư Ramesh Thakur đã dẫn ra những ví dụ sau đây.
Việc chính quyền Obama tăng cường sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt kẻ thù ở nước ngoài đã bị một nghiên cứu chung của các trường luật của Đại học Stanford và Đại học New York coi là vi phạm luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế, luật nhân quyền quốc tế và có thể cả luật pháp Mỹ.
Việc tạo ra một nhà nước cảnh sát bằng cách theo dõi đại trà thường xuyên đối với hàng triệu công dân Mỹ và người nước ngoài đã khuấy động một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới.
Việc từ chối truy tố những kẻ tra tấn dã man “nghi can khủng bố” dưới thời Tổng thống Bush, trong khi ra sức truy nã và bức hại những người tố cáo các hành động phi pháp của chính phủ… cho thấy một sự xuống cấp thảm hại của nước Mỹ tự phong là “miền đất của tự do”.
Cuối cùng là cuộc khủng hoảng Syria khiến người ta liên tưởng đến Iraq trong năm 2003. Không giống như Iraq cách đây một thập kỷ, Syria đã sa vào một cuộc nội chiến khốc liệt khiến hơn 100.000 người thiệt mạng – trong đó có quân chính phủ, phiến quân và cả dân thường. Vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc nội chiến này, nhưng hiện thời người ta chưa biết rõ đó là loại vũ khí hóa học nào, con số thương vong cụ thể và quan trọng nhất, bên nào đã sử dụng chúng.
Cả hai bên đều có những phần tử đủ nhẫn tâm sử dụng vũ khí hóa học chống thường dân vô tội, trong khi các cường quốc phương Tây khẳng định rằng họ có bằng chứng về việc chế độ Assad đã sử dụng vũ khí hóa học.
Chỉ có điều sau “màn kịch vũ khí hóa học Iraq” của Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell năm 2003, khẳng định lần này của Ngoại trưởng John Kerry khó có thể thuyết phục nổi công chúng phương Tây và quốc tế vốn đã trở nên cảnh giác, hoài nghi hơn. Họ yêu cầu có bằng chứng cụ thể, có sức thuyết phục.
Xét về logic chiến lược, nếu sử dụng vũ khí hóa học, chính phủ Syria sẽ mất tất cả và quân nổi dậy sẽ hưởng lợi rất nhiều khi đổ riệt cho chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học chống thường dân vô tội. Nhưng bằng chứng gián tiếp lại chống lại chế độ Assad, khi xét về quy mô sử dụng vũ khí hóa học, các loại tên lửa được sử dụng để mang vũ khí hóa học và đường bay của tên lửa…
Thật là trùng hợp ngẫu nhiên, việc sử dụng vũ khí hóa học chống dân thường lại xảy ra ở ngoại ô Damascus, khi đang có một đoàn thanh tra vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc ở thủ đô này. Và người ta cũng đổ lỗi cho Hội đồng Bảo an LHQ là nhẫn tâm, khi không ủy thác cho phương Tây tấn công Syria - trước khi được đoàn thanh tra vũ khí hóa học nói trên báo cáo cụ thể.
Hành động quân sự chống Syria mà không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế. Syria không tấn công một nước ngoài nào mà chỉ tự vệ trước sự tấn công của hàng chục nghìn chiến binh thánh chiến nước ngoài và tiền bạc vũ khí của liên minh Arập-phương Tây. Chỉ có LHQ mới có quyền cho phép tấn công quân sự và cộng đồng quốc tế không thể bị khuất phục bởi “liên minh tự nguyện” FUKUS (Pháp-Anh-Mỹ).
Iraq năm 2003 chính là một sự so sánh khá phù hợp với tình hình Syria hiện nay. Khi đó, một nhóm thanh sát Liên Hợp Quốc đã yêu cầu rằng họ cần thêm có thời gian để hoàn thành công việc trên thực địa.
Là một trong những tác giả chính khởi sự soạn thảo “Chuẩn mực trách nhiệm bảo vệ” (R2P) trong năm 2001 và được LHQ thông qua năm 2005, giáo sư Ramesh Thakur giải thích.
Thứ nhất, do việc sử dụng vũ khí hóa học không cấu thành tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại, điều này đã dẫn đến việc soạn thảo R2P bao gồm 4 tội ác tàn bạo - trong đó có tội diệt chủng và thanh trừng sắc tộc. Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi đó đã đúng khi kêu gọi sự chú ý đến khía cạnh này. Nếu việc sử dụng vũ khí hóa học được chứng minh và cấu thành tội phạm, Liên Hiệp Quốc phải có hành động thích đáng và đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý.
Nhưng những hành động theo Chuẩn mực trách nhiệm bảo vệ (R2P) phải được Liên Hợp Quốc ủy quyền, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và để bảo vệ chứ không trừng phạt dân thường. Những người đang kêu gọi tiến hành chiến tranh chống Syria có thể sử dụng câu "Tất cả những tội ác này phải được điều tra ngay lập tức và những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm” trong R2P để biện minh cho mục đích hiếu chiến của chính họ.
LHQ đã làm việc cật lực trong năm 2001 xây dựng R2P để phân biệt với cuộc “can thiệp nhân đạo” gây tranh cãi của NATO ở Kosovo .
Sau đó, nhóm soạn thảo R2P của LHQ đã dành nhiều năm để thuyết phục các chính phủ còn nghi ngờ rằng đây là một sự thay đổi thực chất, chứ không chỉ trên ngôn từ. Nếu NATO khởi động tấn công quân sự vào Syria thông qua việc lạm dụng ngôn từ trong R2P, họ sẽ giết chết R2P. Cuộc tấn công này cũng sẽ gieo hạt giống tự hủy diệt của NATO, vì tổ chức này sẽ bị chuyển đổi từ liên minh ban đầu nhằm bảo vệ các thành viên trước một cuộc tấn công của Liên Xô hùng mạnh sang một liên minh tiến hành chiến tranh xâm lược chống lại một quốc gia bên ngoài châu Âu và không hề tấn công một thành viên NATO nào.
May mắn thay, trong một bài phát biểu mạnh mẽ tại The Hague vào ngày 28/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh đến tính hợp pháp của quá trình quyết định hành động quân sự của Hội đồng Bảo an LHQ.
Các cường quốc phươngTây dường như đang “nghiện” các hành vi xâm lược liên tiếp trên khắp Trung Đông. Các hành vi xâm lược nhân danh “thực thi luật pháp quốc tế” này là bất lợi đối với họ và cũng không hề mang lại lợi ích cho thế giới.
Chỉ có những ai tuân thủ luật pháp mới có thể hành động chống lại những kẻ “ngoài vòng pháp luật”.
Người ta tự hỏi đến khi nào thì Ủy ban Nobel sẽ phải kêu lên: “Đã quá đủ! Chúng tôi muốn thu hồi giải Nobel Hòa Bình, hỡi ngài Obama”.
Giáo sư Ramesh Thakur, cựu trợ lý của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và là một trong những tác giả soạn thảo Chuẩn mực trách nhiệm bảo vệ (R2P). Ông hiện đang giảng dạy tại Trường chính sách công Crawford trực thuộc Đại học Quốc gia Australia.
Lê Chân (theo Japan Times)