Mỹ cần ASEAN trong chiến lược ngoại giao mới tại châu Á

Google News

Theo The Diplomat, sau 50 năm, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện là một đối tác năng động và quan trọng ở Đông Nam Á, khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh của thế giới.

Tuy nhiên, các nước thành viên ASEAN đang lo ngại về cam kết của Mỹ ở châu Á trong bối cảnh thay đổi địa chính trị toàn cầu.
My can ASEAN trong chien luoc ngoai giao moi tai chau A
 (Nguồn: Asia Rising TV)
Mỹ đang định hướng lại chính sách ngoại giao của nước này bằng cách tập trung nhiều hơn vào các lợi ích của Mỹ theo phương châm "Nước Mỹ trước tiên." Việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo ra làn sóng dễ thay đổi về kinh tế và chiến lược khắp châu Á.
Động thái này còn ảnh hưởng lớn đến sự tín nhiệm chiến lược vào Mỹ. Với việc không có một chiến lược rõ ràng cũng như những hành động và kế hoạch cụ thể về châu Á, đặc biệt là ASEAN, Mỹ sẽ mất đi sự ảnh hưởng chiến lược của mình đối với khu vực này, và ngược lại điều đó sẽ gây phương hại đến các lợi ích cốt lõi của Washington trong khu vực.
Có những dấu hiệu về sự trấn an của Mỹ đối với ASEAN. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đến thăm Indonesia và Ban thư ký ASEAN để tái đảm bảo với hiệp hội này rằng Washington vẫn duy trì cam kết đối với khu vực. Ông Pence cũng khẳng định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tham đự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ vào tháng 11 tới.
Cũng như vậy, hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Mỹ được tổ chức tại Washington hồi tháng 5 đã cho thấy sự quan tâm và cam kết của Mỹ trong việc tăng cường các quan hệ giữa hai bên.
Triều Tiên, một vấn đề chủ chốt trong chương trình nghị sự của Mỹ, là một ví dụ điển hình cho thấy chiến lược châu Á của Washington cần sự ủng hộ của ASEAN đến nhường nào.
Sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 tại Manila hôm 30/4, ông Trump đã kêu gọi Tổng thống Philippines, hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN, tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao của hiệp hội này trong việc gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ các vũ khí hạt nhân một cách hòa bình.
Về phần mình, ASEAN đã có cách tiếp cận chưa từng có đối với Triều Tiên thông qua việc chỉ trích mạnh mẽ các vụ thử hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng "lập tức thực thi đầy đủ các nghĩa vụ được nêu trong toàn bộ những nghị quyết liên qua của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc."
Chính quyền Trump đã bắt đầu nhận thức rõ vai trò liên quan của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực nhưng vẫn chưa đề cao khía cạnh kinh tế của khối này. Sẽ là một sai lầm nếu Mỹ không chú ý chặt chẽ đến vai trò kinh tế của ASEAN trong chiến lược châu Á (nếu có) của Washington.
ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 3 tại châu Á và là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ trong khi Mỹ là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN./.
Theo VIETNAM+