Đó là nhận định của bài viết đăng trên trang mạng The Atlantic ngày 18/4/2017.
Theo bài viết, thế giới đang dần dần phải thích nghi với tính khí thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Người ta có cảm giác rằng dường như ông Trump không biết mình đang nói gì. Tuy nhiên, những lời nói hay những dòng chữ đăng trên Twitter xuất phát từ Nhà Trắng đều có vấn đề. Đây là những điều tệ hại nhất đối với tình hình Đông Bắc Á, nơi hành động quân sự có thể dẫn đến thảm họa khôn lường.
|
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được phô diễn trong cuộc diễu binh Ngày Ánh dương ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters |
Tuy phía Mỹ không biết chính xác năng lực tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên, nhưng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng có khả năng giết hàng triệu người ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc Triều Tiên có thể sẽ bị hủy diệt trong các đòn trả đũa cũng không thể nào làm sống lại hàng triệu sinh linh vô tội bị chết oan này. Trên thực tế, Mỹ không thể làm được gì nhiều để ngăn chặn nỗ lực phát triển tên lửa-hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải nhận ra rằng một số vấn đề là không thể "giải quyết được".
Các nỗ lực ngoại giao đã trở nên vô ích trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton hứa sẽ viện trợ cho Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng cam kết đóng băng chương trình hạt nhân. Năm 2002, Triều Tiên rút khỏi thỏa thuận này. Các nhà lãnh đạo họ Kim sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, vì đó là tất cả những gì mà họ có được. Nếu không có vũ khí hạt nhân, Triều Tiên vẫn chỉ là một nước nhỏ bé, nghèo nàn. Với Việc sở hữu tên lửa hạt nhân, Triều Tiên có thể hành xử như một cường quốc và quan trọng hơn, nước này có thể khiến cho các cường quốc thế giới e dè, không dám tấn công lật đổ chế độ.
Tổng thống Clinton cũng từng cân nhắc việc ném bom các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, nhưng cuối cùng, ông ta đã phải bỏ cuộc vì nguy cơ quá cao. Nguy cơ đó bây giờ còn cao gấp bội. Không chỉ vì các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên hiện thời phân tán trên phạm vi toàn quốc, mà còn do sức mạnh giáng trả của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Nếu Triều Tiên bị dồn vào bước đường cùng, thì đòn giáng trả sẽ vô cùng khủng khiếp. Nên nhớ rằng thủ đô Seoul có hàng chục triệu dân của Hàn Quốc chỉ cách giới tuyến tạm thời có 50 cây số.
Những lời đe dọa suông từ Washington không chỉ không có hiệu quả, mà còn có lợi cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì nó kích động chủ nghĩa dân tộc ở CHDCND Triều Tiên. Một điều khiến cho nhân dân Triều Tiên đoàn kết bảo vệ chế độ hiện hành chính là nguy cơ bị nước ngoài tấn công xâm lược.
Trung Quốc là cường quốc duy nhất có ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Nhưng điều cuối cùng mà Bắc Kinh mong muốn là để nước láng giềng anh em này sụp đổ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể gây cho Trung Quốc khá nhiều phiến toái, nhưng một Bán đảo Triều Tiên thống nhất với căn cứ quân sự của Mỹ sẽ còn tồi tệ gấp bội. Đó là chưa kể cuộc khủng hoảng người tị nạn Triều Tiên tràn qua biên giới vào Trung Quốc.
Có lẽ một cuộc tấn công không gian mạng có thể làm gián đoạn nhất thời chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng nó sẽ không đủ để loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa này. Vì vậy, dường như có ít sự lựa chọn nào khác, ngoài việc phải sống chung với CHDCND Triều Tiên có trong tay vũ khí hạt nhân. Mọi nỗ lực thúc ép Trung Quốc để buộc đồng minh của họ từ bỏ vũ khí hạt nhân xem ra đều là vô dụng. Điều tốt nhất có thể hy vọng là Trung Quốc có thể buộc Triều Tiên không thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề này không phải là quá khó, vì tất cả mọi người ở Đông Bắc Á đều muốn duy trì hiện trạng. Hàn Quốc nói rằng thống nhất tổ quốc là mục tiêu cao nhất của nước này, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào.
Tổng thống Donald Trump, một khi được giải thích kỹ càng, có lẽ cũng không muốn gây ra một cuộc chiến tranh tàn phá để thay đổi hiện trạng vì điều này quá nguy hiểm. Tất cả mọi thứ mà Mỹ có thể làm là ngăn chặn Triều Tiên bán vũ khí ra nước ngoài. Để làm được điều này, sự hợp tác của Trung Quốc là vô cùng cần thiết.
Nói tóm lại, tình hình không mấy khả quan, nếu không muốn nói là xấu. Nhưng thế giới sẽ phải “sống chung với lũ”. Những người được sinh ra ở Triều Tiên cho rằng sống nghèo dù sao cũng còn tốt hơn nhiều việc phải chết trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Minh Châu (Theo The Atlantic)