Trong cuộc gặp gia đình các nạn nhân của vụ tai nạn chuyến bay MH17 tại Kuala Lumpur (Malaysia) hôm chủ nhật 20-7, Thủ tướng Najib Razak tâm sự: “Là một nhà lãnh đạo, chưa bao giờ tôi lại phải đau lòng như những gì tôi đã trải qua những ngày qua. Vợ mất chồng, cha mất con”.
Ông Razak nhấn mạnh ông muốn di hài các nạn nhân người Malaysia sẽ được đưa ra khỏi vị trí vụ tai nạn ở miền đông Ukraine để được chôn cất tại quê nhà kịp trước lễ Aidilfitri (kết thúc tháng chay Ramadan).
Cũng thế, trên trang web của Chính phủ Hà Lan hôm 20/7, Thủ tướng Mark Rutte đã báo cáo với dân chúng Hà Lan đang đau lòng trước cái chết của 193 công dân nước họ:
“Hôm nay tôi lại có một số cuộc đàm thoại với các đối tác của tôi, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, và tối nay tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống Nga Putin một lần nữa. Tất cả nhằm đạt được ưu tiên số 1 của chúng tôi là gây áp lực lên tất cả các bên liên quan để đưa hài cốt các nạn nhân về”.
Tìm đến di hài các nạn nhân
Lẽ ra đây là một công việc không đến nỗi khó khăn nếu như địa điểm xảy ra tai nạn trong lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền trọn vẹn. Thế nhưng ở Ukraine đã và đang bị xâu xé như hiện nay, đây lại là điều có thể “bất khả”.
Trước hết là cách mà các tử thi được/bị quy tập. Cáo giác của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong năm cuộc phỏng vấn truyền hình tối 20/7 từ Boston: “Chúng tôi có báo cáo về những kẻ ly khai say xỉn chất đống di hài của nạn nhân lên xe tải một cách bất kính”.
Điều “bất kính” đối với thi hài các nạn nhân mà ông Kerry đề cập cũng đã được Thủ tướng Hà Lan Rutte thuật lại trên trang web của Chính phủ nước này tối chủ nhật 20/7: “Đã có nhiều báo cáo ngày hôm nay về một đoàn xe lửa gần địa điểm vụ tai nạn có chứa một số lượng lớn tử thi”.
Tất nhiên đó là các toa xe đông lạnh và sự bảo quản các thi hài này tốt, theo ghi nhận của một trong hai chuyên gia pháp y Hà Lan khi được tiếp xúc các thi hài này. Song cách thức mà các tay súng ly khai bị cho là “say xỉn” chất các thi hài đó lên các toa xe lửa lại là “bất kính”, tuy rằng không khó hiểu khi các tay súng đó phải làm một công việc “nặng nề” không quen.
Trong những ngày đầu ngay sau tai nạn, phe ly khai - vốn là nhóm ô hợp, không chính quy, không có ban bệ chỉ huy rõ ràng - quả là đã hành xử “không chính quy” trong việc giải quyết thảm họa này, buộc thiên hạ phải lần lên trên, tức Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng Hà Lan Rutte thuật tiếp: “Mọi nỗ lực nay đang nhằm di chuyển đoàn tàu này đến khu vực do Chính phủ Ukraine kiểm soát. Bộ trưởng ngoại giao Frans Timmermans hôm nay đã gọi điện thoại cho Ngoại trưởng John Kerry để thảo luận về điều này”.
|
Thi thể các nạn nhân MH17 được chuyển về Hà Lan. |
Về phần Malaysia, cũng những truân chuyên tương tự, mãi đến tối thứ hai (giờ Ukraine), sáng thứ ba 22/7 (giờ Malaysia), Thủ tướng Razak mới thở phào khi thông tin trên website Phủ thủ tướng về 44 công dân Malaysia thiệt mạng trong tai nạn này:
“Trong những ngày gần đây, chúng tôi đã làm việc trong hậu trường để thiết lập liên lạc với những người phụ trách địa điểm tai nạn MH17. Trong những điều kiện khó khăn và không thông suốt, chúng tôi đã thảo luận về những vấn đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm: bảo toàn những bằng chứng quan trọng từ chiếc máy bay, mở ra một cuộc điều tra độc lập, và trên tất cả là quy tập di hài của những người bị tước mất mạng sống”.
Theo thỏa thuận mà Thủ tướng Razak thông báo, hai hộp đen của chiếc MH17 đã được bàn giao cho một đội của Malaysia tại Donetsk để giám sát. Và điều quan trọng hơn là các điều tra viên quốc tế độc lập sẽ được đảm bảo tiếp cận an toàn địa điểm tai nạn để bắt đầu một cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc.
Di hài các nạn nhân được chuyển bằng xe lửa đến Kharkiv để bàn giao cho đại diện đến từ Hà Lan trước khi đưa đến Amsterdam trên một máy bay C130 Hercules của Hà Lan. Sau các thủ tục pháp y cần thiết, di hài các công dân Malaysia sẽ được đưa về quê nhà bằng máy bay.
“Chỉ sau đó, cuộc điều tra vụ MH17 mới có thể thật sự bắt đầu và các nạn nhân mới có thể được nhận sự tôn trọng đáng có. Chúng ta cần phải biết những gì khiến máy bay rơi và những người chịu trách nhiệm về việc này, sao cho công lý có thể được thực thi” - Thủ tướng Razak nhấn mạnh.
Nén giận vì đại cuộc
Qua trình thuật trên của thủ tướng Malaysia, có thể hình dung bao truân chuyên mà phía Malaysia, từ toán cứu hộ thảm họa gồm 62 người đến nơi ngay sau tai nạn, đến Bộ trưởng giao thông Liow Tiong Lai và Ngoại trưởng Anifah Aman lần lượt đến nơi trong ngày thứ hai 21/7.
|
Các chuyên gia Malaysia tại khu vực MH17 rơi. |
Cho dù có muốn tự kiềm chế, song cuối cùng Thủ tướng Razak cũng phải thố lộ với toàn dân Malaysia: “Trong những ngày gần đây, đã có lần tôi muốn cất tiếng nói lớn hơn cho nỗi tức giận, đau buồn mà người dân Malaysia đang cảm nhận và cả những gì tôi cảm nhận nữa. Nhưng đôi khi chúng ta phải thinh lặng làm việc vì một kết quả tốt đẹp hơn”.
Trong một thông báo khác trên website Chính phủ Malaysia, Thủ tướng Razak cũng đã vất vả giải thích tin đồn Hãng hàng không Malaysia Airlines đã lại chọn lộ trình bay qua Syria để tiết kiệm nhiên liệu: “Kế hoạch bay của chuyến bay MH004 là phù hợp với các đường bay đã được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) phê duyệt. Theo thông báo cho phi công của Cơ quan Hàng không dân dụng Syria, không phận Syria không bị hạn chế. Trong mọi lúc, đường bay của MH004 là trong không phận được ICAO chấp thuận”.
Chuyến bay định mệnh MH17 mà một số dư luận cho là liều mạng bay vào vùng chiến sự ở Ukraine để tiết kiệm nhiên liệu, cũng đã bay theo lộ trình được ICAO phê duyệt (không ít hãng hàng không khác chỉ sau thảm họa MH17 mới đổi đường bay).
Vấn đề là ICAO cũng như các hãng hàng không này đã yên chí rằng ở Ukraine hay Syria, cho dù có nội chiến, song không một kẻ nào lại có thể được phép hay tự tiện bấm nút tên lửa đối không tầm cao ở cao độ 10.000m trở lên như thế, bất quá “du kích” bắn tên lửa cầm tay lên độ cao dăm ba ngàn mét.
Hà Lan, với chỉ trên 16 triệu dân cùng một diện tích vỏn vẹn 43.000km2, trong đó 18% dưới mặt nước biển, quả là “mỏng manh” trước những “đại gia”. Cũng thế, Malaysia đang chủ trương “tránh voi chẳng xấu mặt nào” cũng bị lôi vào thảm họa MH370 rồi nay MH17. Thủ tướng Malaysia Razak hôm thứ hai 21/7 chua chát tố cáo: “Đây là điều xảy ra khi có bất cứ cuộc xung đột nào mà không thể được giải quyết thông qua đàm phán trong hòa bình. Cuối cùng ai sẽ trở thành nạn nhân?”.
Ông Razak muốn nói đến cuộc tỉ thí địa chính trị Nga - Mỹ ở Ukraine? Trên 500 thường dân mất tích và thiệt mạng trên các chuyến bay MH370 và MH17, cũng chừng ấy người thiệt mạng trong cuộc xung đột ở dải Gaza từ hai tuần qua. Sinh mạng con người quá rẻ trong các tính toán của các “đại gia”!
Theo Tuổi Trẻ