Căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ lên đến đỉnh điểm ngày 24/11, sau khi chiếc máy bay Su-24 bị bắn rơi trên không phận Syria.
“Không hoàn toàn bất ngờ khi vụ việc này làm leo thang xung đột”, Jonathan Schanzer - phó chủ tịch Foundation for Defense of Democracies (FDD) có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) - nói.
Tuy nhiên, sự việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga đã làm phức tạp thêm tình hình vốn đã hỗn loạn tại Syria.
Boris Zilberman, một chuyên gia về Nga tại FDD, từng nhận định: “Những sự cố như vậy xảy ra chỉ là vấn đề thời gian”.
|
Chiến đấu cơ Su-24 của Nga rơi sau khi trúng tên lửa không đối không được phóng từ máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 24/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi “chỉ ra một vấn đề đang xảy ra với chiến dịch quân sự của Nga” tại Syria.
Hiện tại, nhiều quốc gia đang tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria, trong đó có Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Nga. Từ tháng 9/2014, liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu không kích các mục tiêu IS gần khu vực miền trung và phía đông Syria.
Trong khi đó, Nga khởi động chiến dịch quân sự đánh IS tại Syria từ ngày 30/9.
Những chính khách cứng rắn
Các chuyên gia quốc tế có những dự báo khác nhau về biện pháp Nga sẽ đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Su-24 bị bắn hạ.
“Tôi quan tâm đến việc Nga có thể sẽ đáp trả với việc bắn hạ chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai”, Zilberman nói.
Chuyên gia địa chính trị Ian Bremmer – Chủ tịch Eurasia Group – nhấn mạnh rằng việc cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đều là chính khách cứng rắn khiến việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn. Tuy nhiên, ông cho rằng Nga sẽ hưởng lợi nhiều hơn với các biện pháp trả đũa chừng mực.
“Phản ứng ban đầu của ông Putin – gọi vụ bắn hạ Su-24 Nga là một cú đâm sau lưng của những kẻ đồng lõa khủng bố - cho thấy ông rất tức giận. Nhưng người ta không còn lạ gì với những lời lẽ gay gắt của nhà lãnh đạo Nga”, Bremmer nói.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đều là chính khách cứng rắn.
|
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua khí đốt lớn thứ hai của Nga và số du khách đến từ Nga chiếm 12% tổng số du khách nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2014.
“Quan hệ kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - du lịch, thương mại và năng lượng - rất quan trọng. Do vậy, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan chắc chắn không đả động đến lĩnh vực này”, ông Bremmer nhận định.
Hơn nữa, ông chủ điện Kremlin cũng có những cân nhắc về mục tiêu địa chính trị quan trọng.
“Ông Putin không muốn đối đầu thêm nữa với NATO vì ông ấy vừa đạt được bước tiến triển với các nước Châu Âu – đặc biệt là Pháp – khi Mỹ và phương Tây đang dần dần bỏ việc cô lập Moscow”, chuyên gia Bremmer nói tiếp.
Pháp, Mỹ và Nga từng đàm phán để tiếp tục hợp tác các hoạt động trên bộ tại Syria và thiết lập một liên minh chống IS. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga có thể khiến Mỹ và Pháp gặp khó khăn trong việc thuyết phục Nga hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nga sẽ "ăn miếng trả miếng"?
Có một số biện pháp đáp trả của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Nga vừa thông báo nước này sẽ tạm ngừng liên lạc quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, dư luận không chắc chắn Nga sẽ mạo hiểm làm gia tăng căng thẳng quân sự với NATO với bất kỳ động thái gây hấn nào hơn nữa.
“Phản ứng đầu tiên của ông Putin tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố rằng vụ bắn hạ Su-24 là hành động đâm sau lưng”, giáo sư Mark Galeotti thuộc Trung tâm Vấn đề toàn cầu của Đại học New York (Mỹ) bình luận.
Theo giáo sư Galeotti, Nga có thể tiến hành một số biện pháp trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt trận kinh tế-chính trị như cấm các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh xuống sân bay Nga.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng, cả Moscow lẫn các nước thành viên NATO khác đều không muốn vấn đề này đi quá xa”, ông Galeotti nói thêm.
Nhà phân tích Zilberman cũng đồng tình với nhận định này của ông Galeotti.
“Tổng thống Putin có thể lợi dụng sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào khí đốt của Nga để đáp trả Ankara. Tuy nhiên, biện pháp này cũng gây ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của Nga. Một hình thức trả đũa khác đó là Nga có thể cung cấp vũ khí cho người Kurd”, Zilberman cho hay.
Tuy nhiên, Schanzer cho rằng: “Chúng ta phải chờ đợi phản ứng của Nga. Nếu Nga coi đây là một hành động thù địch chứ không phải một sự cố vô tình, thì một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra”.
Thiên An (Theo BI)