|
Nhanh chóng nắm bắt đề xuất "đặt vũ khí hóa học Syria dưới sự kiểm soát quốc tế" của Nga, Tổng thống Obama nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm".
|
Sự chuyển hướng từ hành động quân sự đơn phương sang ngoại giao đa phương cho thấy, đến lúc người Mỹ nên xem lại bản thân mình.
Tổng thống Obama đã khiến cho nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, khi ông quyết định tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội cho kế hoạch tấn công trừng phạt chế độ Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Hành động này đảo ngược một tiền lệ có từ nhiều thập kỷ qua, trong đó các quyết định tấn công quân sự ở nước ngoài - vốn là một đặc quyền của tổng thống.
Chỉ có điều, bầu không khí chính trị đang thay đổi nhanh chóng và công chúng Mỹ đã cảm thấy mệt mỏi với các cuộc can thiệp quân sự vô ích kéo dài nhiều năm qua ở những miền đất xa xôi như Iraq, Afghanistan và khiến cho hàng ngàn binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng hoặc bị thương.
Tỷ lệ giữa cái giá phải trả cao khủng khiếp và lợi ích thu được chẳng bao nhiêu đã khiến cho người Mỹ cảm thấy kinh hoàng. Đó là một phần lý do vì sao công chúng Mỹ phản đối các kế hoạch quân sự vào Syria, một cuộc can thiệp có thể khiến nước Mỹ sa vào một cuộc chiến tranh “hao người, tốn của” thứ 3 ở Tây Á, trong vòng 12 năm qua.
Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy kết quả giống hệt nhau: khoảng 60% người Mỹ phản đối một cuộc tấn công quân sự chống Syria, trong khi tỷ lệ ủng hộ dao động từ 20 đến 30%.
Logic rất đơn giản: nước Mỹ cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết trong nước do cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài gây ra, chứ không phải đốt tiền đóng thuế của dân vào một cuộc chiến “vô bổ” ở Trung Đông.
Cuộc chiến này cũng rất bất lợi đối với Tổng thống Obama, khi Washington đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị. Tổng thống Obama cần phải dựa nhiều vào ý nguyện của dân chúng để vượt qua sự chống đối của đảng Cộng hòa liên quan đến nhiều chương trình nghị sự trong nước trong nhiệm kỳ hai. Những rủi ro của việc tiến hành một cuộc can thiệp quân sự không được lòng dân là quá rõ ràng đối với Tổng thống Obama.
Có lẽ chính vì điều này mà Tổng thống Obama đã lựa chọn cách “đá quả bóng sang phần sân của Quốc hội Mỹ”, khi châm ngòi một cuộc thảo luận toàn quốc về việc có nên dùng tên lửa đánh Syria hay không.
Và ông Obama cũng tìm cách “hoãn binh” bởi vì ông biết rõ rằng, nếu cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ được tổ chức đúng kế hoạch, nghị quyết đánh Syria do chính quyền đề xuất sẽ bị bác bỏ và ông sẽ bị bẽ mặt, mất uy tín nặng nề.
Nhận thức rõ điều này, Ngoại trưởng John Kerry đã tìm cách gỡ bí, khi “buột miệng” nói rằng để ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự, Tổng thống Assad phải “chuyển giao tất cả các loại vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế trong tuần tới”. Gợi ý này đã được phía Nga nhanh chóng nắm bắt và biến thành đề xuất “đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế” để tránh một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng chống chế độ Assad.
Thông qua phát biểu tưởng chừng như tình cờ này, ông Obama đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, nhanh chóng nắm bắt đề xuất của Nga và tránh cho mình một thảm bại nhãn tiền.
Lê Chân (theo Xinhua)