|
Quân đội Mỹ - Philippines tập trận chung.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin cho biết, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thất bại trên bàn đàm phán song phương là Washington chưa chịu chấp nhận quyền kiểm soát và tiếp cận của Manila vào các căn cứ Mỹ tạm thời được thành lập trên đất Philippines.
Trong khi đó, các nhà đàm phán Philippines kiên quyết giữ quan điểm bất cứ thỏa thuận nào được nhất trí cũng phải tuân thủ Hiến pháp cũng như pháp luật Philippines và Mỹ sẽ không có quyền sử dụng độc quyền bất cứ căn cứ tạm thời nào được thành lập bên trong các trại quân đội của nước này.
"Họ không thể mặc cả về việc chấp nhận hay không chấp nhận. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không có quyền tiếp cận? Những căn cứ đó sẽ hoàn toàn trở thành thành lũy của họ. Vấn đề này có thể được xem là một bế tắc hay một bất đồng”, ông Gazmin nhấn mạnh.
Ngoài ra, 2 bên cũng bất đồng về một số quy định của thỏa thuận, ông Gazmin thừa nhận.
Nhiều nhà quan sát bình luận, những bất đồng giữa 2 bên đồng nghĩa với việc thỏa thuận tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Philippines có thể đạt được sớm nhất vào năm sau.
Dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines vẫn tỏ ra lạc quan khi tin rằng, các quan điểm khác biệt, bất đồng sẽ được 2 bên sớm khắc phục và xóa bỏ.
Quan chức Mỹ hiện chưa bình luận gì về thông tin trên.
Các cuộc đàm phán song phương về thỏa thuận cho phép quân đội và khí tài Mỹ bao gồm tàu chiến, máy bay và nhiều thiết bị quân sự khác với số lượng lớn hơn tiếp cận các căn cứ tạm thời trên đất Philippines bắt đầu vào tháng 8 vừa qua.
Trước đó, quân đội Mỹ bao gồm hàng trăm binh sĩ đã được phép đóng quân ở miền nam Philippines để tham gia đào tạo lực lượng chống khủng bố cho nước này từ năm 2002.
Philippines tỏ ra rất sốt sắng trong việc tăng cường quan hệ với Mỹ để tìm kiếm và củng cố khả năng quốc phòng tối thiểu chống lại sức mạnh quân sự đang lên của “người khổng lồ” Trung Quốc trong bối cảnh 2 bên ngày càng lún sâu vào tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Do đó, Manila tỏ ra rất tích cực đàm phán với Mỹ bất chấp việc cho phép quân đội nước ngoài hiện diện trên đất Philippines - một cựu thuộc địa của Mỹ là vấn đề nhạy cảm. Năm 1991, Quốc hội Philippines đã bỏ phiếu đóng cửa các căn cứ lớn của Mỹ tại nước này.
Bạch Dương (theo ST)