Vụ Pháp bàn giao hai chiến hạm tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral cho Nga đang trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên các mặt báo. Bởi lẽ, chỉ nhiều tuần sau khi các nhà điều tra xác nhận rằng, máy bay Malaysia mang số hiệu MH17 đã bị bắn hạ ở Ukraine bởi một tên lửa do Nga cung cấp.
Trước những diễn biến mới này, Mỹ và EU đang xúc tiến việc thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga. Còn nếu Pháp (thực hiện theo đúng hợp đồng) bàn giao cho Nga thì động thái này sẽ làm tăng khả năng Nga đe dọa tới Ukraine, Gruzia và nhiều quốc gia khác. Đáng lưu ý, việc kiểm soát các khu vực ven biển ở Biển Baltic, Biển Đen là ưu tiên chiến lược của Moscow. Tàu đổ bộ đa năng lớp Mistral của Pháp, mang theo 16 trực thăng tấn công, sẽ làm tăng khả năng thực hiện các hoạt động tấn công của Nga dọc theo bờ biển của Ukraine, Gruzia và các nước khác.
|
Tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral.
|
Thật không may, kịch bản Pháp chuyển giao Nga tàu chiến hạm tiên tiến này ngày càng có khả năng trở thành hiện thực. Nếu Paris bàn giao
chiến hạm lớp Mistral đầu tiên cho Moscow (dự kiến sẽ thực hiện vào cuối năm 2014), điều đó có thể đánh dấu một thất bại trong chính sách ngoại giao của phương Tây. Thậm chí, nhiều người còn coi việc một thành viên chủ chốt của NATO (tức Pháp) tiến hành bàn giao tàu chiến cho Nga như thường lệ có thể là một sự nhạo báng các nỗ lực của khối quân sự này hòng thay đổi các tính toán của Tổng thống Putin.
Một số nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ, đặc biệt là Nghị sỹ Eliot Engel của New York mạnh dạn kêu gọi NATO thực hiện vụ mua 2 tàu chiến này từ Pháp. Điều này để phục vụ nhu cầu dài hạn của khối quân sự ở châu Âu và trên thế giới. Đây được coi là “giải pháp vẹn cả đôi đường”. Pháp không bị tổn hại về mặt tài chính, còn châu Âu cũng không lâm vào thế khó xử trong việc thực hiện các lệnh trừng phạt lên Nga.
Tuy nhiên, ý tưởng tốt đẹp trên gặp phải nhiều thách thức. Đơn cử, để biến ý tưởng trên thành hiện thực phải đi đôi với sự đóng góp tài chính từ tất cả các thành viên NATO. Đây là điều phù hợp với cách thức thông thường mà mỗi khi khối này tiến hành mua các thiết bị quân sự.
Trên thực tế, NATO đã sở hữu khối tài sản nhất định dùng cho các hoạt động chung của liên minh. Danh sách này bao gồm các cơ sở hạ tầng quân sự ở một số căn cứ, các thiết bị chuyên dụng như máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) để kiểm soát các hoạt động trên không của nhiều quốc gia trong các cuộc tập trận quy mô lớn.
Thêm vào đó, tàu đổ bộ chưa từng được coi là ứng cử viên sáng giá để NATO mua. Đơn giản, từ trước tới nay, NATO thường hay dựa vào sự đóng góp tàu chiến từ các nước thành viên của khối. Các thành viên như Mỹ, Anh hay Pháp đều có khả năng cung cấp tàu chiến loại này cho liên minh. Tuy nhiên, vào thời điểm, hầu hết các thành viên châu Âu của NATO đều đang trốn tránh nghĩa vụ với liên minh và cắt giảm mạnh ngân sách của họ dành cho quốc phòng, vì thế họ không mặn mà việc thầu vụ mua bán tàu đổ bộ Mistral của Pháp.
Một điều nữa cần bàn tới nữa, nếu NATO mua lại 2 tàu này thì Pháp (quốc gia vừa sản xuất tàu vừa là thành viên NATO) cũng sẽ phải đóng góp 1 khoản nhất định trên cương vị thành viên của khối liên minh. Động thái này dường như làm khó cho Paris. Quan trọng trên hết, trong trường hợp NATO mua 2 tàu này, điều này giúp họ tránh một sai lầm chiến lược lớn. Ngoài ra, hành động đó có thể biến một cuộc khủng hoảng thành cơ hội cho NATO tỏ rõ quyết tâm cũng như tăng tầm ảnh hưởng đối với khu vực.
Thanh Nga (theo NI)