|
Ian Storey, chuyên gia về vấn đề an ninh của châu Á. |
Các nhà phân tích nhận định, nếu có được sự đồng thuận trong khu vực, mọi vướng mắc có thể sẽ được giải quyết trong hòa bình ổn định, có lợi cho tình hình chung của khu vực... và cũng có lợi cho Nhật Bản.
Mối lo canh cánh
Dù không phải là nước có hải phận ở Biển Đông nhưng Nhật Bản lại có lượng hàng vận chuyển qua khu vực này khá lớn, nên theo đánh giá của ông Ian Storey, chuyên gia về vấn đề an ninh của châu Á, Nhật Bản luôn quan tâm đến vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Phân tích mối quan tâm sâu sắc của Nhật Bản đến Biển Đông, trên nội san tháng 4 của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS của Singapore, ông Ian Storey viết: “Sự tranh chấp trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông hàng hóa của Nhật tại đây bởi kinh tế nước này chủ yếu do lĩnh vực hàng hải mang lại”.
Bản thân Nhật Bản cũng thừa nhận Trung Quốc là một nước mạnh về kinh tế, là nước luôn tự tin vào vị thế của mình trên thế giới, là một cường quốc lớn. Các nhà phân tích an ninh của Nhật Bản có lần từng bày tỏ những quan ngại về tình hình bất ổn ở Biển Đông, nhất là sự xuất hiện của nhiều tàu tuần tra, tàu khảo sát bất hợp pháp trong vùng biển này.
Thậm chí, họ còn dự đoán một cuộc đụng độ bất ngờ có thể diễn ra và biến thành cuộc khủng hoảng ngoại giao và quân sự. Tuy nhiên, bất cứ một vấn đề vướng mắc nào cũng có cách giải quyết. Trước tình hình trên, Nhật Bản đang tiến hành một số giải pháp được cho là có hiệu quả: Giải quyết vấn đề trên cơ sở đa phương với các nước Đông Nam Á, tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp chính sách với Mỹ và các nước khác, đưa tranh chấp hàng hải lên các diễn đàn quốc tế, khuyến khích sự đồng thuận trong ASEAN.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn đang cố gắng né tránh các cuộc thảo luận về vấn đề tranh chấp này tại các diễn đàn an ninh khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), đồng thời từ chối đưa tranh chấp lên trọng tài quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Bởi Trung Quốc cho rằng, vấn đề Biển Đông chỉ có thể giải quyết dựa trên các thỏa thuận song phương, càng nhiều nước tham gia thì càng "rối".
Thúc đẩy sự đồng thuận trong ASEAN
Đề cập đến Hội nghị cấp cao ASEAN sắp diễn ra năm nay, ông Ian Storey cũng viết, Nhật Bản rất hi vọng vào tính thống nhất của các quốc gia thành viên ASEAN. Do lợi ích và quan điểm khác nhau nên sự không đồng thuận của các thành viên cũng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, tuyên bố chung về Biển Đông vẫn đang được soạn thảo và chờ sự quyết định của các nước thành viên ASEAN. Nhật Bản cho rằng, sự thiếu đoàn kết sẽ cản trở nỗ lực giải quyết các tranh chấp hiện tại và tất nhiên, ảnh hưởng đến cả việc giải quyết tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đó là lý do Nhật Bản muốn thúc đẩy tính đoàn kết và sự thống nhất trong ASEAN.
Bên cạnh đó, Ian Storey cũng nhắc đến việc Nhật Bản đặc biệt chú ý đến Philippines, nước được Nhật Bản coi là đối tác có thiện ý. Trong tranh chấp bãi cạn Scarborough, Philippines có vẻ lùi bước và Trung Quốc về cơ bản nắm quyền kiểm soát đảo này. Nhật Bản lo ngại rằng, Trung Quốc cũng theo đuổi một chiến lược tương tự ở Biển Hoa Đông, tức là sử dụng tàu của cơ quan thực thi pháp luật hàng hải để đạt được kiểm soát trên thực tế tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bởi vậy, Nhật Bản đã bổ sung nguyên tắc song phương vào phương pháp tiếp cận đa phương của mình với việc các bộ trưởng của Nhật Bản thường xuyên thảo luận về tranh chấp Biển Đông với các đối tác Đông Nam Á. Tại một cuộc họp báo chung, ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Albert del Rosario của Philippines đã ra một tuyên bố rằng, hai nước cùng có mối quan ngại chung về vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, "đường lưỡi bò" bất ổn ảnh hưởng lớn đến an ninh khu vực và tự do hàng hải của các nước.
Các nhà nghiên cứu về an ninh châu Á của Singapore đánh giá, các tranh chấp lãnh hải được Nhật Bản coi là chương trình nghị sự hàng đầu về an ninh, ảnh hưởng lớn đến các nước trong khu vực, kéo theo đó là lưu thông hàng hải bị gián đoạn, khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng. Trong bài viết của mình, Ian Storey còn viết, Nhật Bản hiện tại đang theo đuổi một số chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp, dù rằng những chiến lược này vẫn có không ít hạn chế.
Để kết luận, Ian Storey nhấn mạnh, Nhật Bản rất muốn thúc đẩy tình đoàn kết ASEAN vì cũng có lợi cho Nhật Bản trong việc giải quyết tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Người Đưa Tin