Lo ngại Trung Quốc, LPD “tái vũ trang” Nhật Bản

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 30/5, Ủy ban quốc phòng của Đảng Dân chủ Tự do (LPD) đã phê duyệt dự án cải cách quy mô lớn các lực lượng vũ trang Nhật Bản.

 Hệ thống tên lửa phòng không Patriot dưới hoa anh đào.

Dự án này mang lại khả năng tấn công các căn cứ quân sự của đối phương, thành lập lực lượng thủy quân lục chiến cũng như nâng cao hiệu quả phòng thủ tên lửa. LPD cũng đề xuất trang bị cho quân đội Nhật Bản các loại tên lửa hành trình để tấn công căn cứ quân sự của đối phương.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản Valery Kistanov thuộc Viện Viễn Đông cho rằng loại vũ khí tấn công này (vốn bị Hiến pháp Nhật Bản cấm đoán) có thể được triển khai theo bất cứ hướng nào. Ông Kistanov nói: “Trước hết là Bắc Triều Tiên và sau đó dĩ nhiên là Trung Quốc. Hệ thống phòng thủ tên lửa cũng được tăng cường xây dựng, trước hết là do việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh tên lửa hạt nhân. Như đã nói, tuy Nhật Bản bảo là Bắc Triều Tiên, nhưng thực ra là hàm nghĩa Trung Quốc. Việc Nhật Bản sẽ tăng cường sức mạnh quân sự là điều rõ ràng. Các chính trị gia và các học giả Nhật Bản khẳng định rằng điều này liên quan chủ yếu đến hai yếu tố. Thứ nhất là tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trở thành một mối đe dọa khủng khiếp. Thứ hai, sự gia tăng sức mạnh của quân đội Trung Quốc mà Nhật Bản cũng coi là một mối đe dọa”.

 Tàu chiến bãi đỗ của máy bay trực thăng không kém gì hàng không mẫu hạm.

Dự án cải cách các lực lượng vũ trang này có đoạn đề cập trực tiếp đến quan hệ của Nhật Bản-Trung Quốc. LDP khuyến nghị thành lập các đơn vị thủy quân lục chiến. Những đơn vị này dự kiến được sử dụng trong trường hợp diễn ra một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc do tranh chấp các đảo ở Biển Hoa Đông. Để bảo vệ những vùng lãnh thổ mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền, các đơn vị thủy quân lục chiến sẽ được trang bị các phương tiện đổ bộ và máy bay vận tải Osprey.

 Thủy quân lục chiến sẽ được trang bị các phương tiện đổ bộ và máy bay vận tải Osprey.

LDP phê duyệt điều khoản thành lập các đơn vị thủy quân lục chiến trong bối cảnh những lời tuyên bố gay gắt gần đây giữa Tokyo và Bắc Kinh liên quan đến quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cáo buộc Nhật Bản “đánh cắp” những hòn đảo này và đòi phải hoàn trả cho Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra tại thành phố Potsdam của Đức. Chính tại thành phố này Tuyên bố Potsdam nổi tiếng về cơ cấu thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đã được ký kết và Nhật Bản đã chấp nhận tuyên bố này.

Trong khi đó, những kiến nghị của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản đề xuất thay đổi hiến pháp và trước hết, phải ghi nhận sự hiện diện "Quân đội Phòng vệ Quốc gia”.

Chuyên gia Valery Kistanov nhận định: “Thủ tướng Shinzo Abe là một người cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc. Triết lý của ông là sau khi chiến bại trong Thế chiến II, Nhật Bản đã phải chấp nhận rất nhiều hạn chế bất công. Những rào cản này đã ngăn cản Nhật trở thành một cường quốc thực sự. Thủ tướng Abe tin rằng một trong những hạn chế này là Hiến pháp hòa bình sau chiến tranh: cấm Nhật Bản có quân đội, công bố không sử dụng chiến tranh như một phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế”.

Gần đây, Nhật Bản đã tăng mạnh chi tiêu quân sự và điều này gây nên nhiều lo ngại ở châu Á. Người ta đã bắt đầu nói về kế hoạch “tái vũ trang” Nhật Bản.

 Điều này có thể dẫn đến một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới ở châu Á. Trong ảnh máy bay chiến đấu tàng hình F-35

Nếu dự án cải cách quân sự do LDP đề xuất được chính phủ ở Tokyo thông qua và được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn, nhiều nghi vấn sẽ xuất hiện. Điều này có thể dẫn đến một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới ở châu Á. Bởi vì Trung Quốc và một số quốc gia khác từng bị quân đội Nhật hoàng chiếm đóng trong Thế chiến II sẽ không khoanh tay đứng nhìn  công cuộc tái vũ trang của Nhật Bản.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


    Văn Bình (theo VOR)