Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới mang lại cho Bắc Kinh cơ hội hiếm có để thể hiện Trung Quốc là một nước lớn “có trách nhiệm”.
Nhằm ve vãn Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến New Delhi cuối tuần qua để trao đổi về chiến lược. Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được một sự đồng thuận quan trọng là hai bên nên hỗ trợ nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Hàng Châu (Trung Quốc) và Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ được tổ chức ở tiểu bang Goa (Ấn Độ).
|
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến New Delhi nhằm thuyết phục Ấn Độ không nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu. Ảnh SCMP |
Trung Quốc muốn thể hiện là một "cường quốc có trách nhiệm" thông qua các diễn đàn quốc tế khác nhau. Hội nghị thượng đỉnh G20 và BRICS có ý nghĩa đặc biệt đối với Trung Quốc trong việc xây dựng trật tự thế giới đa cực. Trung Quốc đã được lần đầu tiên trao quyền chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20.
Do tầm quan trọng của sự kiện này, Bắc Kinh đã không tiếc công sức trong công tác chuẩn bị. Ở trong nước, Trung Quốc đã chi gần 100 tỷ USD (theo báo cáo ngân sách của các Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Trung Quốc) để xây dựng sân vận động, chi phí tham quan cho các đoàn quốc tế, đảm bảo an ninh và đổi mới đô thị.
Biển Đông ám ảnh Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G20
Là một thành viên của G20, Ấn Độ được cho là một đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trên các diễn đàn khu vực khu vực và quốc tế, cả về kinh tế lẫn chính trị. Vấn đề nhạy cảm nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu sẽ là vấn đề Biển Đông. Dưới thời chính phủ Narendra Modi, chính phủ Ấn Độ đã công khai ủng hộ "tự do hàng hải và thương mại" ở Biển Đông – một lập trường mà New Delhi chia sẻ với Mỹ. Ấn Độ còn được Việt Nam và Philippines coi là một đồng minh quan trọng để chống lại yêu sách lãnh thổ tham lam và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc lo ngại rằng một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có thể nêu lên vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, đặc biệt sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye bác bỏ yêu sách tham lam phí lý của Trung Quốc trong tháng Bảy vừa qua.
Chính sách “củ cà rốt và cây gậy” đối với Ấn Độ
Trong bối cảnh này, Trung Quốc muốn nhận được cam kết từ phía Ấn Độ là không đề cập đến vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Để đạt được mục tiêu nói trên, Trung Quốc đã thực hiện chính sách ngoại giao "củ cà rốt và cây gậy", khi tiếp cận với Ấn Độ.
Ý kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị trong chuyến thăm Ấn Độ cũng hàm chứa thành tố đe dọa. Ông Vương đã liên kết Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu với Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới ở Goa. Điều ngày cho thấy Trung Quốc có thể áp dụng hình thức “ăn miếng trả miếng” đối với Ấn Độ. Nếu Ấn Độ nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Trung Quốc sẽ "trả đũa” Ấn Độ tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Goa. Về “củ cà rốt”, ông Vương Nghị hứa sẽ hỗ trợ Ấn Độ gia nhập Nhóm những nhà cung cấp hạt nhân để đổi lấy lời hứa của Ấn Độ không nói gì về Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu.
Tuy nhiên, chính sách "củ cà rốt và cây gậy" của Trung Quốc khó có thể buộc Ấn Độ im lặng về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu.
Thứ nhất, “cây gậy” của Trung Quốc dường như vô dụng. Mặc dù ông Vương Nghị ám chỉ khả năng “ăn miếng, trả miếng”, nhưng trên thực tế, Trung Quốc không thể chịu đựng nổi tổn thất của việc phá vỡ Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Ấn Độ. Hội nghị này vốn được Bắc Kinh coi là một cơ hội quan trọng để tăng cường "hình ảnh tích cực” của Trung Quốc trên toàn thế giới . Trên thực tế, Trung Quốc thiếu phương tiện hiệu quả để thách thức “lợi ích sống còn” của Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong các cuộc đụng độ với Pakistan ở Kashmir, Trung Quốc cần hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ về một loạt lĩnh vực khác nhau: từ vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và chống khủng bố ở Tân Cương.
Mặt khác, "củ cà rốt" Trung Quốc có vẻ không mấy hấp dẫn đối với Ấn Độ . Ấn Độ muốn có một con voi, chứ không phải là một con thỏ. Tham gia Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân là quan trọng đối với tham vọng quyền lực rất lớn của Ấn Độ, nhưng rất có khả năng lãnh đạo Ấn Độ sẽ nói về Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu. Đối với Ấn Độ, vấn đề Biển Đông là một cơ hội quan trọng để tập hợp một liên minh khu vực chống lại sự bành trướng của Trung Quốc dưới chiêu bài "Một vành đai, một con đường". Trong khi đó, nhận thức về mối đe dọa của Trung Quốc ngày càng tăng đang thúc đẩy Ấn Độ tăng cường quan hệ quân sự với một số đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương - bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Vốn là một chủ đề nóng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được nêu lên và thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Mặc dù Trung Quốc tìm mọi cách để Ấn Độ im lặng về vấn đề Biển Đông với chính sách "củ cà rốt và cây gậy", nhưng Bắc Kinh thực sự thiếu công cụ hiệu quả. Giới phân tích không chắc rằng Ấn Độ sẽ giữ im lặng về vấn đề này, như Trung Quốc hằng mong muốn.
Minh Châu (Theo The Diplomat)