Đó là nhận định của nhà xã hội học Salvatore Babones của Đại học Sydney, trong bài viết cho Al Jazeera ngày 17/4/2017.
Theo nhà xã hội học Salvatore Babones, Trung Quốc là đồng minh lớn của CHDCND Triều Tiên, nhưng mối quan hệ Trung-Triều hiện đang có nhiều trục trặc. Triều Tiên ngày càng trở thành một đối tác gây khá nhiều phiền hà cho Trung Quốc và sự kiên nhẫn của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh xem ra cũng có giới hạn.
Chiến tranh Triều Tiên thứ nhất
Trung Quốc đã đem quân tham chiến trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53, với khẩu hiệu “viện Triều, chống Mỹ”.
|
Năm 1950, Trung Quốc đã đem gần 3 triệu quân “viện Triều, chống Mỹ”. Ảnh: Pinterest |
Năm 1950, Trung Quốc đã đem gần 3 triệu quân “viện Triều, chống Mỹ” và đã bị tổn thất khoảng 180.000 binh sĩ trong chiến tranh. Tất cả những điều này xảy ra chỉ một năm sau khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc đại lục kết thúc vào năm 1949.
Lúc đầu, Trung Quốc không hề tham gia vào cuộc tấn công giải phóng miền nam của CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng, Bắc Kinh buộc phải can thiệp quân sự, sau khi quân đội Liên Hợp Quốc do tướng Mỹ Douglas MacArthur đánh bại quân đội Triều Tiên và tiến sát biên giới Trung Quốc. Điều này buộc Trung Quốc phải đổ gần 3 triệu tình nguyện quân “viện Triều, chống Mỹ”, đẩy lùi liên quân do Mỹ cầm đầu đến vĩ tuyến 38, đường ranh giới phân chia Triều Tiên và Hàn Quốc hiện nay.
Quan hệ lịch sử lâu đời
Quan hệ Trung-Triều vốn có lịch sử lâu đời, kéo dài nhiều thế kỷ chứ không chỉ gói gọn trong quan hệ giữa hai nước xã hội chủ nghĩa hiện nay. CHDND Triều Tiên không phải là “thuộc địa” của Bắc Kinh, nhưng lịch sử của nước này luôn gắn liền với Trung Quốc. Bình Nhưỡng chưa bao giờ độc lập hoàn toàn với Bắc Kinh về kinh tế và chính trị.
Chỉ có điều, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trở thành gánh nặng gây khá nhiều phiền toái cho Trung Quốc, khiến ban lãnh đạo hiện nay ở Bắc Kinh có thể đã mất kiên nhẫn. Cuối tháng 2/2017, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên, một hành động được Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh. Bây giờ, mọi thứ dường như trở nên trầm trọng hơn.
Có thông tin chưa được xác nhận nói rằng Trung Quốc đã đưa 150.000 quân tới biên giới Trung-Triều. Tuy gọi tin này là “hoàn toàn bịa đặt”, nhưng sau đó không lâu, Trung Quốc đã bất ngờ đình chỉ các chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng mà không đưa ra lời giải thích nào.
Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có chuẩn bị can thiệp vào Triều Tiên một lần nữa để đối phó với hành động quân sự có thể của liên quân Mỹ-Hàn?
Khu vực Đông Bắc Trung Quốc hiện đã chứa chấp hàng ngàn công dân Triều Tiên. Chỉ có một ít trong số này là tị nạn, còn đa phần là những người sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm.
Nếu chẳng may lại xảy ra một xung đột quân sự nữa trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với làn sóng khổng lồ người tị nạn Triều Tiên tràn qua biên giới.
Trung Quốc không hề muốn xảy ra một cuộc chiến tranh nữa trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng điều cuối cùng mà Trung Quốc muốn là Bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc.
Ban lãnh đạo rung Quốc đã học được nhiều bài học trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm1991, khi sự thống nhất nước Đức cuối cùng đã đẩy biên giới của NATO khoảng 1.000 km về phía đông, với việc Liên Xô bị sụp đổ.
Nếu buộc phải can thiệp vào CHDCND Triều Tiên, mục tiêu của Trung Quốc sẽ không phải là nhằm lật đổ chế độ ở Bình Nhưỡng và thúc đẩy thống nhất hòa bình Bán đảo Triều Tiên.
Mục tiêu của Trung Quốc là ngăn chặn sự sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng trước áp lực của Mỹ: nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể ra đi, nhưng Trung Quốc sẽ đảm bảo cho chế độ Bình Nhưỡng vẫn tồn tại.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)