Liệu Triều Tiên có quấy rối lễ nhậm chức của ông Trump?

Google News

(Kiến Thức) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên ngụ ý sẵn sàng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng liệu ông có định quấy rối lễ nhậm chức của ông Trump?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói công cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đang ở vào “giai đoạn cuối cùng”.
Ông Kim Jong-un đã chào đón Năm mới 2017 với lời cảnh báo mạnh mẽ rằng chế độ của ông sắp phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và đòi Mỹ bãi bỏ "chính sách thù địch đã lỗi thời" đối với Bình Nhưỡng.
Các nhà phân tích cho rằng cảnh báo trên của ông Kim Jong-un cho thấy căng thẳng có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Trong bài phát biểu năm mới trên truyền hình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã "tăng cường vượt bậc sức mạnh hạt nhân và quân sự... khiến cho không có kẻ thù ghê gớm nào dám xâm phạm".
Chuẩn bị phóng thử ICBM
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết công việc chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM đã "đạt đến giai đoạn cuối cùng". Giới phân tích cho rằng đây không phải là “nói suông”, nếu xét đến việc nhà lãnh đạo Triều Tiên này đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân dưới lòng đất cũng như nhiều vụ phóng tên lửa - bao gồm tên lửa phóng từ tàu ngầm – trong năm 2016.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 của Triều Tiên trong lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh Army Recognition 
Một số tổ chức tư vấn cho rằng Triều Tiên có thể phóng thử ICBM vào một ngày in chữ đỏ trong lịch của Bình Nhưỡng và ngày in chữ đỏ đầu tiên trong năm nay là ngày 8/1, ngày sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử hạt nhân vào ngày 6/1/2016.
Các nhà phân tích cũng nói rằng ông Kim Jong-un có thể chọn thời điểm phóng ICBM sát hoặc trùng với lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump (ngày 20/1/2017) hoặc trùng với ngày bầu cử Tổng thống Hàn Quốc có thể được tổ chức vào đầu tháng 3/2017.
Giáo sư quan hệ quốc tế Stephen Nagy tại Đại học Cơ đốc giáo quốc tế ở Tokyo nói với Deutsche Welle (DW): "Tôi khá tự tin rằng ông Kim sẽ tiến hành một số hình thức thử nghiệm quân sự quan trọng – có nhiều khả năng nhất là phóng thử tên lửa ICBM - ngay trước hoặc ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump. Về cơ bản, ông Kim sẽ gửi một thông điệp rằng Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, thế giới cần phải coi trọng Bình Nhưỡng và nước này cần phải được tính đến trong bất kỳ dàn xếp nào về an ninh ở Đông Bắc Á".
Những câu hỏi chưa có câu trả lời
Hiện thời, Bình Nhưỡng chắc chắn đã có vũ khí hạt nhân và tên lửa, mặc dù hiện chưa rõ liệu các nhà khoa học Triều Tiên có làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để họ được gắn vào tên lửa và liệu nước này đã có trong tay phương tiện mang vũ khí hạt nhân đánh một mục tiêu ở Bắc Mỹ. Nếu phóng thành công một ICBM, Triều Tiên sẽ chứng minh rằng nước này đã vượt qua những thách thức trên con đường trở thành một quyền lực về tên lửa và hạt nhân. Giáo sư Nagy nói: “Nếu Triều Triên chứng tỏ đã làm được những điều trên, đây sẽ là thời điểm thay đổi cuộc chơi”.
Washington đã phản ứng với bài phát biểu ngày đầu năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un bằng cách nói rằng bất kỳ vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên sẽ là "không thể chấp nhận" và sẽ dẫn đến “những hậu quả".
Những lời cảnh báo tương tự trước đây đã không thể ngăn cản nhà lãnh đạo Kim Jong-un nâng cấp đáng kể sức mạnh quân sự của CHDCND Triều Tiên.
Đáng lo ngại là trong một báo cáo phát hành hồi tháng 12/2016, Viện Chiến lược An ninh quốc gia của Hàn Quốc cảnh báo rằng "căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên".
Minh Châu (Theo DW)