Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã công bố công trình khoa học về lý thuyết và thực tế ngăn chặn Trung Quốc trong "vùng xám".
|
Đối đầu tàu chiến trên biển. Ảnh SCMP |
Bài viết của nhóm các nhà khoa học phân tích rất toàn diện các hành động của Trung Quốc trong khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như khuyến nghị về các phản ứng có thể của Mỹ đối với những hành động đó.
Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin bình luận về công trình này khi trả lời phỏng vấn của đài Sputnik:
Báo cáo của CSIS bàn luận chi tiết về các cuộc khủng hoảng gay gắt nhất và các sự cố trên biển liên quan đến Trung Quốc trong những năm gần đây. Báo cáo đề cập đến việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động tàu tình báo Inpeccable của Mỹ ở Biển Đông năm 2009, cuộc khủng hoảng quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) trong năm 2010 và 2012 cũng như việc Trung Quốc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo qui mô lớn ở Biển Đông bắt đầu vào năm 2013. Các tác giả đã tập hợp được một khối lượng lớn các đánh giá và các sự kiện rất có giá trị cho tất cả mọi người theo dõi tình hình Biển Đông.
Liên quan đến các khuyến nghị về "chống chiến lược áp đặt của Trung Quốc" thì bản báo cáo này dường như khá xa rời thực tế hiện nay. Hiện nay, ngay cả khả năng Mỹ tiến hành một chính sách nhất quán về tất cả những gì ảnh hưởng đến Trung Quốc cũng đang là vấn đề hoài nghi. Các ưu tiên của chính phủ Mỹ hiện nay thay đổi nhanh chóng, khó lường và các chính sách quan trọng của nước này có thể nhanh chóng thay đổi 180 độ.
Điều này đã xảy ra trong vấn đề Đài Loan, các giao dịch ngoại tệ được cho là của Trung Quốc cũng như khả năng một cuộc tấn công đơn phương của Mỹ chống CHDCND Triều Tiên. Và điều này đang xảy ra trong vấn đề Biển Đông. Được biết, trong những tháng gần đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump không cho Lầu Năm Góc tiến hành "các cuộc tuần tra mới để đảm bảo tự do hàng hải" trong khu vực quần đảo Trường Sa. Mỹ rất cần hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên và Nhà Trắng không muốn chọc giận Trung Quốc một lần nữa.
Cũng không kém phần khó khăn để thực hiện một khuyến nghị quan trọng khác là tăng cường các liên minh trong khu vực. Trong khu vực Đông Nam Á. Vị thế của Mỹ trong lĩnh vực an ninh bắt đầu suy yếu dưới thời Tổng thống Obama và xu hướng này cũng không đảo ngược khi ông Trump lên cầm quyền. Thay vào đó, chủ nghĩa bảo hộ và hành động không thể tiên đoán của chính quyền mới sẽ đẩy nhanh quá trình này hơn là làm chậm lại. Đối với Đông Bắc Á, các yêu cầu của Tổng thống Donald Trump đòi Hàn Quốc phải trả giá cho việc triển khai các tổ hợp THAAD cho thấy sự thiếu hiểu biết của Nhà Trắng về một số vấn đề cơ bản trong quan hệ Mỹ-Hàn Quốc trong lĩnh vực an ninh.
Ở Biển Đông, Trung Quốc về cơ bản đã thay đổi tình hình và cán cân quyền lực một cách không thể đảo ngược. Vì vậy, bất kỳ chiến lược mới của Mỹ sẽ khó có thể thay đổi điều đó.
Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin kết luận: Sự mô tả đầy đủ và chuyên sâu về chiến thuật và chiến lược của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ biển đảo có thể giúp nước Mỹ một vài năm trước đây, nhưng khó có thể đảo ngược tình hình hiện nay.
Minh Châu (Theo Sputnik)