Các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc tiếp tục làm suy yếu Triều Tiên, nhưng không làm xáo trộn các cơ sở kinh tế của chế độ ở Bình Nhưỡng. Các biện pháp này khiến cho Mỹ phải giải quyết vấn đề không theo cách mà Washington muốn.
|
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp thông qua biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Ảnh: CNN.com |
Lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc cấm nhập khẩu hàng dệt từ Triều Tiên, cấm bán khí tự nhiên và áp đặt mức trần 2 triệu thùng mỗi năm cho việc bán xăng dầu tinh chế cho Bình Nhưỡng.
Cấm vận toàn bộ xuất khẩu nhiên liệu sẽ có tác động nghiêm trọng đến Triều Tiên, gây nhiều khó khăn cho dân chúng nước này trong mùa đông lạnh giá.
Nghị quyết mới của LHQ phê chuẩn việc kiểm tra tàu, nhưng quy định rằng điều này phải được thực hiện với sự đồng ý của các quốc gia nơi tàu đăng ký.
Nghị quyết mới cũng làm suy yếu ngôn từ ban đầu vốn có thể dẫn đến cấm hoàn toàn việc sử dụng lao động Triều Tiên. Nga là nước sử dụng nhiều lao động Triều Tiên.
"Nghị quyết cuối cùng không được như những gì mà chính quyền Trump đề xuất ban đầu, bộc lộ những khó khăn khi đàm phán với… Trung Quốc và Nga", Anthony Ruggiero - nghiên cứu viên cao cấp của Quĩ Bảo vệ Dân chủ - viết cho The Straits Times qua email. Tuy nhiên, theo ông, nghị quyết mới của LHQ là một bước tiến quan trọng và Mỹ nên tập trung vào việc thực hiện nó.
Ông Sue Mi Terry, cựu phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và đang làm việc cho BowerGroupAsia, nói với The Straits Times: "Nhìn tổng thể, Mỹ vẫn còn phải đối mặt với những lựa chọn rất hạn chế. Có nhiều người trong chính quyền Mỹ hiện nay đang cố gắng đẩy ông Trump đến chính sách ngăn chặn và ngăn chặn lâu dài. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Điều đó có nghĩa là chúng ta tiếp tục trừng phạt… và với việc phòng thủ tên lửa, chúng ta tiếp tục những gì chúng ta đang làm. Nhưng cuối cùng chúng ta để cho Bắc Triều Tiên có được (khả năng tên lửa hạt nhân) vì chúng ta gạt lựa chọn quân sự khỏi bàn”.
Trước đó, ngày 11/9, trước cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố nghị quyết nói trên của Liên Hợp Quốc là bất hợp pháp và Bình Nhưỡng "sẵn sàng sử dụng bất kỳ phương tiện tối hậu nào" chống Mỹ. Bộ này nói: "Các biện pháp sắp tới mà CHDCND Triều Tiên thực hiện sẽ làm cho Mỹ đau đớn và đau khổ nhất trong toàn bộ lịch sử của nước này”.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản hôm 11/9 cho biết ít nhất ba ngân hàng lớn là Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc ở thành phố biên giới Yanji đã cấm công dân Triều Tiên mở tài khoản và chuyển tiền. Kyodo dẫn lời một nhân viên ngân hàng nói: "Điều này chịu ảnh hưởng của lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Bắc Triều Tiên”.
Minh Châu (Theo Straits Times)