|
Một cuộc họp của HĐBA Liên Hợp Quốc.
|
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 7/3 đã nhất trí về các biện pháp
trừng phạt mới đối với Triều Tiên để đáp lại vụ thử hạt nhân thứ ba của
Bình Nhưỡng ngày 12/2/2013. Đây là vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Bình
Nhưỡng, kể từ năm 2006, sau vụ phóng tên lửa tầm xa trong tháng 12/2012.
Hai vụ thử nói trên cho thấy Triều Tiên đã có nhiều tiến bộ trong việc
phát triển một loại tên lửa có tầm bắn 10.000 km và thu nhỏ đầu đạn hạt
nhân.
Triều Tiên càng tỏ ra cứng rắn hơn
Vài giờ sau khi Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt lần thứ tư, Bình Nhưỡng tuyên bố hủy hiệp định đình chiến và đường dây nóng với Seoul, sau khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt nước này. Hãng thông tấn trung ương KCNA loan tin Triều Tiên “bãi bỏ mọi hiệp định về đình chiến giữa miền bắc và miền nam” và Ủy ban Tái Thống nhất Hòa bình Triều Tiên thông báo với Hàn Quốc về việc “ngay lập tức hủy đường dây nóng bắc-nam”. Tuyên bố hủy hiệp định đình chiến đưa ra trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Bảy năm qua, các biện pháp trừng phạt của LHQ - cùng với các biện pháp trừng phạt suốt 50 năm của Mỹ - đã thất bại trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Theo giới chuyên gia ở Seoul, Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân ráo riết hơn dưới thời nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. “Ông trẻ” Kim có vẻ xa lánh Trung Quốc, đồng minh duy nhất, hơn cả cha ông là Kim Jong-il.
|
Triều Tiên phóng thành công tên lửa tầm xa Unha-3 đưa một vệ tinh lên quĩ đạo.
|
Giáo sư nghiên cứu chính sách an ninh Kim Yeon-su của Đại học Quốc phòng ở Seoul nói: “Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo (hạt nhân). Lập trường của họ về điều này là rất nhất quán”.
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã sử dụng chương trình hạt nhân của mình làm đòn bẩy để buộc cộng đồng quốc tế nhượng bộ về tiền bạc, nguyên liệu và viện trợ. Kim Jong-un, con trai ông, còn mất ít thời gian hơn trong việc tiếp tục sự nghiệp của người cha: phóng tên lửa tầm xa chỉ vài tháng sau khi ông Kim Jong-il qua đời.
Về phần mình, Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc. Nước này cũng đã hỗ trợ các nỗ lực trừng phạt trước đây và hậu thuẫn việc lên án vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa vào tháng 12/2012 là vi phạm các qui định của Liên Hợp Quốc.
Giáo sư Kim Yeon-su cho biết mối quan hệ Trung-Triều gần đây đã trở nên mong manh. Ông lưu ý rằng không có một chuyến thăm Bình Nhưỡng nào của các quan chức Trung Quốc cấp cao, kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa hồi tháng 12/2012, trái ngược với các chuyến thăn viếng thường xuyên dưới thời Kim Jong-il. Một ủy viên Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc đã bị Kim Jong-un ghẻ lạnh trong chuyến thăm Bình Nhưỡng trước vụ phóng tên lửa hồi tháng 12 và sau vụ thử hạt nhân vừa qua, Trung Quốc cũng đã triệu tập Đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh đến để bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ".
Bất chấp những cảnh báo của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố rằng nước này sẵn sàng thử hạt nhân lần thứ 4, thậm chí cả lần thứ 5 nữa.
Thiếu đòn bẩy kinh tế
Tướng Hàn Quốc về hưu Moon Seong-Mook cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của LHQ sẽ vô tác dụng, nếu chúng cũng giống như các biện pháp trừng phạt trước đây. Ông nói: “Tuy không thể nói rằng các biện pháp trước đây là vô tác dụng…nhưng trừng phạt phải làm cho Kim Jong-un không thể thực hiện các hành động tương tự”.
Trong khi Iran xuất khẩu dầu khí hàng tỷ USD mỗi năm, Triều Tiên chỉ xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc, một ít hàng dệt may giá rẻ vài chục ngàn lao động sang Nga, Trung Quốc và Trung Đông.
Xuất khẩu hàng hóa của Iran đã mức 131,5 tỷ USD trong năm 2011, một năm trước khi Washington tăng cường các biện pháp trừng phạt. Trong số đó, 3/4 là xuất khẩu dầu khí. Theo ước tính độc lập, con số này hiện có thể đã giảm hơn một nửa.
Ngược lại, xuất khẩu của Triều Tiên sang Hàn Quốc chỉ ở mức 1,07 tỷ USD trong năm 2012 và xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,48 tỷ USD, theo ước tính của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc.
Cũng giống như trước đây, Trung Quốc luôn nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa thành công của các biện pháp trừng phạt. Trung Quốc được cho là nắm giữ một số tài sản tài chính của Bình Nhưỡng, đồng thời cung cấp tiền bạc và hàng hóa cho Triều Tiên, trên cương vị đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Nhà phân tích cao cấp Lee Young-hoon, từng làm việc cho Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, nói: “Tất cả phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu Trung Quốc chỉ nói chứ không hành động như trước, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không mấy tác dụng”.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lê Chân (theo Reuters)