Đó là nhận định của học giả James K. Galbraith, phụ trách lĩnh vực quan hệ chính phủ-doanh nghiệp tại Trường Các vấn đề công cộng Lyndon B. Johnson trực thuộc Đại học Tổng hợp Texas, trong bài viết dành cho trang mạng Deutsche Welle của Đức.
|
Sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump phải làm gì bây giờ? Ảnh Odyssey |
Theo học giả James K. Galbraith, việc tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ báo hiệu sự kết thúc vai trò lãnh đạo đạo đức của Mỹ trên thế giới. Nga và Trung Quốc hiện đang nổi lên trở thành các thế lực đáng gờm và có quyền lực trên thế giới không hề thua kém Mỹ. Lời cảnh báo mà Trung Quốc dành cho bộ sậu của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về việc tuân thủ Hiệp định khí hậu Paris là một ví dụ điển hình và cho thấy trật tự thế giới hiện có người giám hộ mới.
Những động lực song hành
Ở bên trong nước Mỹ, một động lực song hành cũng đang xuất hiện. Chính phủ liên bang vốn là trụ cột của đời sống Mỹ kể từ năm 1930 và trụ cột này hiện đang bị đe dọa. Các vấn đề phá thai, chăm sóc sức khỏe, môi trường, giáo dục cộng đồng và nhiều vấn đề khác sẽ được giao lại cho các bang. Chênh lệch về lương giữa các bang sẽ trở nên trầm trọng hơn, khi mức lương tối thiểu được nâng lên ở những khu vực nhất định, chứ không phải trên toàn nước Mỹ.
Những vấn đề nói trên sẽ bị phân cấp. Ví dụ, tiểu bang New York và thành phố Los Angeles đã từ chối hợp tác trong bất kỳ động thái trục xuất hàng loạt những người nhập cư. Chính quyền các bang điều hành các cuộc bầu cử ở Mỹ. Do đó quyền bỏ phiếu sẽ theo sau sự chia rẽ chính trị hiện nay...cho đến khi một phong trào dân quyền kế tiếp bùng phát.
Tính hợp pháp của chính phủ Mỹ vốn dựa trên sự chấp nhận rộng rãi của Hiến pháp liên bang. Tuy nhiên, tất cả các tổ chức trong cấu trúc chính quyền có thể bị đặt dấu hỏi vào thời điểm hiện tại.
Tòa án liên bang sẽ nằm trong tay một nhân vật cực đoan cánh hữu chống liên bang. Tuy không tạo ra những điều kiện này, nhưng ông Trump đang nhanh chóng khai thác chúng một cách triệt để.
Tình trạng "trên bảo dưới không nghe"
Nguy cơ xung đột đã rõ ràng. Tâm trạng sợ hãi và tức giận đang xuất hiện ở các cộng đồng có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ. Đó là các cộng đồng người Mỹ gốc Phi, người Mỹ Latin, cộng đồng LBGT, người nhập cư, phong trào phụ nữ. Các cộng đồng này có trọng lượng chính trị đáng kể ở các bang giàu có nằm trên hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như ở bang Illinois. Các thế lực chính trị chiếm ưu thế ở các bang đó đang chống đối lẫn nhau và qua đó làm gia tăng tình trạng chia rẽ về bản sắc cũng như tình trạng phân cực về địa lý.
Học giả James K. Galbraith đặt câu hỏi: Nếu các bang nói trên nổi lên trở thành các quyền lực chính trị địa phương, thì liệu khái niệm về bản sắc Mỹ sẽ còn tồn tại được bao lâu?
Minh Châu (Theo Deutshe Welle)